Showing posts with label trung quốc. Show all posts
Showing posts with label trung quốc. Show all posts

Pháp tổ chức hội thảo về biển Đông: “Đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý

TT - Ngày 16-10-2012, tại Paris đã diễn ra hội thảo về “Biển Đông - vùng xung đột mới” do Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) và Quỹ Gabriel Péri, một tổ chức chuyên nghiên cứu chính trị có uy tín tại Pháp, tổ chức. Hội thảo đã thu hút đông đảo các chuyên gia hàng đầu của Pháp và châu Âu về Luật biển quốc tế và địa chính trị.

>> Không lùi bước trong vấn đề biển Đông

Mở đầu hội thảo, nhà nghiên cứu Patrice Jorland, một chuyên gia kỳ cựu về Đông Nam Á, tuyên bố: “Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu cho rằng xung đột trên biển Đông chỉ liên quan đến các nước trong khu vực. Đó là một xung đột mang tầm vóc thế giới”. Ông Christian Lechervy, cố vấn đặc biệt về các vấn đề chiến lược ở châu Á của Tổng thống Pháp François Hollande, phụ họa: “Vấn đề biển Đông không chỉ giới hạn ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nó còn bao gồm cả các quần đảo Pratas, bãi cạn Scarborough, bãi Macclesfield và các eo biển”.

“Đường lưỡi bò”: Trung Quốc chẳng có bằng chứng nào trong tay!

"Trung Quốc không muốn có tòa quốc tế phân xử tranh chấp trên biển Đông"

Giáo sư Chemillier-Gendreau

Xung đột ở biển Đông đã âm ỉ từ lâu, nhưng trở nên căng thẳng từ năm 2009. Giải thích sự leo thang căng thẳng này, chuyên gia Cyrille P. Coutansais, phó phòng luật biển của Bộ tham mưu Hải quân Pháp, nhận định: “Vùng biển và đất liền ở khu vực quanh biển Đông giờ đây đã trở thành mỏ vàng kinh tế. Ở đó, các nước có thể khai thác đánh bắt hải sản, có các mỏ khoáng sản quý hiếm như đất hiếm, khí đốt. Đó là chưa kể nguồn lợi sinh học từ hệ động thực vật biển. Do nguồn tài nguyên trên mặt đất dần cạn kiệt nên các quốc gia đang hướng về phía biển, nơi còn chưa được khai thác bao nhiêu. Vì vậy, để vùng đất vàng không rơi vào tay kẻ mạnh thì phải có luật và công ước quy định luật chơi”. Ông Coutansais muốn đề cập đến Công ước Geneva 1958 và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Ông nhấn mạnh: “Chỉ có hành xử theo luật quốc tế mới có thể giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, bền vững và được tất cả các bên tuân thủ”.

Như một cách đề dẫn cho cuộc tranh luận, nhà nghiên cứu Patrice Jorland, cộng tác viên tạp chí Nghiên Cứu Quốc Tế của Pháp, nhấn mạnh cách gọi tên biển Đông theo cách phương Tây hiện nay là “biển Nam Trung Hoa” hoặc “biển Trung Hoa” đã tạo ra sự hiểu lầm và là nguồn gốc gây xung đột. Cách gọi tên đó do các nhà hàng hải và các nhà vẽ bản đồ châu Âu đặt ra từ bao thế kỷ trước trong các chuyến du hành để khám phá các vùng đất mới. “Đó là cách gọi nhập nhằng. Cái tên đó không phù hợp với tình hình địa - chính trị hiện nay và nó tạo ra cảm tưởng vùng biển này là của Trung Quốc. Lối nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ cái tên gọi không thể tạo ra chủ quyền được” - ông Patrice Jorland nhấn mạnh. Ai cũng hiểu điều đó, có lẽ chỉ riêng Trung Quốc là không hiểu. Chính vì thế, năm 2009 Trung Quốc đã trưng ra trước Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ về “đường lưỡi bò”.

Giáo sư luật Erik Franckx thuộc ĐH Vrije (Bỉ) nhấn mạnh tấm bản đồ đường lưỡi bò này “trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể là bằng chứng hợp pháp cho chủ quyền”. Ông lý giải: “Cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp Quốc về vấn đề này là Tổ chức Thủy văn quốc tế (IHO) không tìm thấy biểu tượng khoa học và thủy văn nào trên tấm bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Theo IHO cũng như theo quan điểm cá nhân của tôi, bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc là mơ hồ, thiếu tính chính xác kỹ thuật và bởi vậy hoàn toàn không có cơ sở pháp lý”.

Giáo sư luật David Scott thuộc ĐH Brunel (Anh) cũng cho rằng: “Khi trình bản đồ đường lưỡi bò lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc muốn hợp pháp hóa và chính danh hóa vùng biển mình đòi hỏi. Nhưng cùng lúc Trung Quốc lại từ chối đưa ra các bằng chứng kỹ thuật cho tấm bản đồ, từ chối tuân thủ UNCLOS và cũng không muốn đưa các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng ra một định chế tài phán quốc tế nào”.

Đồng tình với ý kiến các chuyên gia luật khác tại hội thảo khi vạch rõ thái độ không nhất quán của Trung Quốc trước quốc tế và trong lĩnh vực luật pháp, giáo sư David Scott chia sẻ: “Khi trưng ra bản đồ đường lưỡi bò trước Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc muốn vùng biển này được công nhận chính thức và mang tính hợp pháp. Thế nhưng, cùng lúc Trung Quốc lại từ chối trưng ra các bằng chứng kỹ thuật cho tấm bản đồ mà họ trưng ra, lại từ chối tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và cũng không muốn đưa các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng ra một định chế tài phán quốc tế nào”.

Giáo sư luật Monique Chemillier-Gendreau thuộc ĐH Paris-Diderot (Pháp) cũng đã kể lại cuộc gặp tại Bắc Kinh cách đây ba năm với các quan chức cấp cao của Trung Quốc. Họ khẳng định với bà điều này: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cung cấp bằng chứng cụ thể (về bản đồ đường lưỡi bò) và sẽ chẳng bao giờ ra tòa gì cả. Vùng biển ấy là của chúng tôi, tại sao lại phải chứng minh chứng tỏ gì chứ?”.

Giáo sư Chemillier-Gendreau thừa nhận lúc đó bà bị “sốc” trước thái độ bất chấp luật pháp và bất chấp công ước mà chính Trung Quốc đã đặt bút ký vào đó. “Trung Quốc không thể cung cấp chứng cứ khoa học cho cái mà họ đã đệ trình bởi họ chẳng có gì trong tay” - bà nhấn mạnh. Trong trường hợp đòi chủ quyền lãnh thổ, quyền đòi hỏi, được áp dụng đến tận ngày nay, phải dựa trên điều mà người ta gọi là “pháp luật theo tập quán”. Trung Quốc chỉ đề cập đến các quần đảo trên biển Đông trong tài liệu từ năm 1930. Trong khi các vua chúa An Nam đã lập địa bạ về Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17. Điều đó có nghĩa trên phương diện luật pháp và chứng cứ kiểm chứng được, các tài liệu do VN đưa ra có thời gian lâu hơn. Chính vì vậy, Trung Quốc không muốn có tòa quốc tế nào phân xử tranh chấp trên biển Đông”.

Sách lược “chuyện đã rồi!” của Trung Quốc và giải pháp đối phó

Giáo sư Chemillier-Gendreau và chuyên gia Coutansais cho rằng Trung Quốc đang thực thi sách lược “tôi có mặt, tôi ở lại” hay “chuyện đã rồi theo từng bước một”. Sách lược này đã xảy ra với một số quốc gia khác vốn mệt mỏi trong chuyện tranh chấp nên đành sẵn sàng ký kết các thỏa thuận song phương có lợi cho Trung Quốc. Giáo sư Scott nhận định: “Trung Quốc nghĩ rằng các quốc gia có liên quan đến tranh chấp sẽ mệt mỏi về kinh tế và tài chính do cố chạy theo hiện đại hóa quân đội, nên cuối cùng đành phó mặc cho chuyện gì xảy đến thì đến”.

Cách giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương hiện là vũ khí “bí mật” của Trung Quốc. Do vậy, giáo sư Franckx cho rằng “nếu các quốc gia như Philippines, VN và các quốc gia khác muốn bảo vệ lãnh thổ của mình thì phải cùng nhau đưa Trung Quốc ra các định chế tòa án quốc tế và xử lý các tranh chấp theo phương cách đa phương. Đàm phán song phương chỉ dẫn đến thua thiệt”. Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng giải pháp bền vững và đúng đắn nhất là đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế La Haye.

Nhà nghiên cứu Coutansais đề xuất: “Các nước không cần phải chờ Trung Quốc có chấp nhận một trọng tài phân xử hay không. Chẳng hạn VN và Philippines cũng có những tranh chấp lãnh thổ và vùng lãnh thổ đó cũng bị Trung Quốc tranh chấp. Nếu VN và Philippines cùng đưa vấn đề ra một tòa án thì Trung Quốc cũng phải tham gia dù muốn hay không bởi họ có dính líu với tranh chấp họ đang đòi hỏi. Trong tình hình hiện nay, có lẽ đó là cách tiến hành tốt nhất”.

Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Pháp tham dự

Bất chấp cơn mưa thu lạnh lẽo và dai dẳng, bất chấp những tin tức thời sự nóng bỏng của cuộc khủng hoảng tài chính, của Trung Đông, phòng họp lớn của Trung tâm hội nghị nhà hóa học (quận 7, Paris) đã nhanh chóng đông nghẹt người trước giờ diễn ra hội thảo. Điểm sơ qua đã có thể nhận ra những nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, chính trị gia, cố vấn của các tổ chức quốc tế, chuyên gia cấp cao của hải quân Pháp... Đặc biệt là có sự hiện diện của ông Christian Lechervy, cố vấn đặc biệt về các vấn đề chiến lược ở châu Á của Tổng thống Pháp François Hollande.

VÕ TRUNG DUNG (từ Paris)

Bài phát biểu của TBT Lê Duẩn về lũ phản động Bắc Kinh

Đồng chí B nói về âm mưu chống Việt Nam của bè lũ phản động Trung Quốc

Nói chung, sau khi ta đã thắng Mỹ thì không còn tên đế quốc nào dám đánh ta nữa. Chỉ có những kẻ nghĩ rằng, họ có thể đánh và dám đánh chúng ta, là bọn phản động Trung Quốc. Nhưng nhân dân Trung Quốc hoàn toàn không muốn như vậy. Tôi không rõ bọn phản động Trung Quốc này còn tồn tại bao lâu nữa. Dẫu sao, chừng nào bọn chúng còn đó thì chúng sẽ tấn công ta như chúng vừa làm gần đây [vào đầu năm 1979]. Nếu chiến tranh đến từ phương Bắc thì các tỉnh [Bắc Trung bộ] Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa sẽ trở thành căn cứ cho cả nước. Đó là những căn cứ vững chắc nhất, tốt nhất và mạnh nhất không gì so sánh được. Vì nếu như vùng đồng bằng [Bắc bộ] vẫn liên tục căng thẳng như vậy thì tình hình sẽ hết sức phức tạp. Hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản. Nếu không có nhân dân Việt Nam thì sẽ chẳng có ai dám đánh Mỹ, bởi vì lúc Việt Nam đang đánh Mỹ thì cả thế giới còn lại sợ Mỹ…(2) Mặc dầu Trung Quốc đã giúp [Bắc] Triều Tiên, nhưng đó chỉ vì mục đích bảo vệ sườn phía Bắc của họ mà thôi. Sau khi chiến tranh chấm dứt [ở Triều Tiên] và áp lực chuyển sang Việt Nam, ông ta [có lẽ ám chỉ Chu Ân Lai như những đoạn tiếp theo sẽ gợi ý] nói rằng, nếu như Việt Nam tiếp tục chiến đấu thì họ sẽ phải tự lo liệu lấy. Ông ta sẽ không giúp nữa và đã gây sức ép buộc chúng ta phải ngừng đấu tranh.

Khi ta ký Hiệp định Giơ ne vơ, chính Chu Ân Lai là người đã chia cắt nước ta ra làm hai [phần]. Sau khi nước ta bị chia thành hai miền Bắc và Nam như vậy, cũng chính ông ấy lại ép chúng ta không được đụng chạm gì đến miền Nam. Họ cấm ta vùng lên [chống lại Việt Nam Cộng hòa được Mỹ ủng hộ]. [Nhưng] họ đã không làm chúng ta sờn lòng. Khi tôi vẫn còn đang ở trong Nam và đã chuẩn bị phát động chiến tranh du kích ngay sau khi ký Hiệp định Giơ ne vơ, Mao Trạch Đông đã nói với Đảng ta rằng, chúng ta cần ép các đồng chí Lào chuyển giao ngay hai tỉnh đã giải phóng cho chính phủ Viên Chăn (3). Nếu không Mỹ sẽ tiêu diệt họ, một tình huống hết sức nguy hiểm [theo quan điểm Trung Quốc]. Việt Nam lại phải làm việc ngay lập tức với phía Mỹ [về vấn đề này]. Mao đã bắt ta phải làm như vậy và chúng ta cũng đành phải làm như vậy (4).

Rồi sau khi hai tỉnh giải phóng của Lào đã được bàn giao cho Viên Chăn, bọn phản động Lào ngay lập tức bắt Hoàng thân Su-pha-nu-vông. Phía các đồng chí Lào có hai tiểu đoàn lúc ấy đang bị bao vây. Hơn nữa họ chưa sẵn sàng chiến đấu. Sau đó một tiểu đoàn đã vượt thoát [khỏi vòng vây]. Khi đó tôi đưa ra ý kiến là phải chấp nhận cho các bạn Lào phát động chiến tranh du kích. Tôi mời phía Trung Quốc đến để thảo luận việc này với ta. Tôi nói: “Các đồng chí, nếu các anh tiếp tục gây sức ép với Lào như thế thì lực lượng của họ sẽ tan rã hoàn toàn. Bây giờ họ phải được phép tiến hành đánh du kích”.

Trương Văn Thiên (5), người trước kia đã từng là Tổng Bí thư [Đảng Cộng sản Trung Quốc] và có bí danh là Lạc Phủ, đã trả lời: “Vâng, thưa các đồng chí, điều các đồng chí nói là đúng. Chúng ta hãy cho phép Tiểu đoàn Lào ấy được đánh du kích”.

Tôi hỏi Trương Văn Thiên ngay lập tức: “Các đồng chí, nếu các đồng chí đã cho phép Lào tiến hành chiến tranh du kích, thì đâu có gì đáng sợ nếu phát động chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam. Điều gì đã làm cho các đồng chí phải sợ hãi đến nỗi các đồng chí lại ngăn cản chúng tôi?”

Ông ấy [Trương Văn Thiên] trả lời: “Không có gì phải sợ cả!”

Đó là điều Trương Văn Thiên đã nói. Tuy nhiên Hà Vĩ, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam khi ấy, [và] có mặt lúc đó cũng nghe thấy những điều vừa nói.

Ông ta đã đánh điện về Trung Quốc [báo cáo những gì đã trao đổi giữa Lê Duẩn và Trương Văn Thiên]. Mao trả lời ngay lập tức: “Việt Nam không thể làm như vậy được [phát động chiến tranh du kích ở miền Nam]. Việt Nam nhất định phải trường kỳ mai phục!” Chúng ta quá nghèo. Làm sao ta có thể đánh Mỹ nếu như chúng ta không có Trung Quốc là hậu phương vững chắc? [Do đó], chúng ta đành nghe theo họ, có phải không? (6)

Bút ký cá nhân của Lê Duẩn năm 1978: “Phải xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Muốn có hạnh phúc cho nhân dân phải giàu mạnh và hùng cường. Đó là vì vị trí lịch sử và địa dư của Việt Nam. Không thể khác được. Vì chúng ta ở bên cạnh một nước mà lịch sử của nước đó chưa ra khỏi cuộc sống người ăn thịt người”
Dẫu sao thì chúng ta vẫn không nhất trí. Ta bí mật tiến hành phát triển lực lượng của ta. Khi [Ngô Đình] Diệm kéo lê máy chém đi khắp các tỉnh miền Nam, ta đã ra lệnh tổ chức lực lượng quần chúng để chống chế độ này và giành lại chính quyền [từ tay chính phủ Diệm]. Chúng ta không cần để ý đến họ [Trung Quốc]. Khi cuộc đồng khởi giành chính quyền đã bắt đầu, chúng tôi sang Trung Quốc gặp Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình nói với tôi: “Các đồng chí, bây giờ sai lầm của các anh thành việc đã rồi, các anh chỉ nên đánh ở mức độ trung đội trở xuống.” Đấy là một kiểu ràng buộc mà họ muốn áp đặt lên ta.

Tôi nói [với Trung Quốc]: “Vâng, vâng! Tôi sẽ thực hiện như vậy. Tôi sẽ chỉ đánh ở mức trung đội trở xuống”. Sau khi chúng ta đánh và Trung Quốc nhận ra rằng chúng ta đã chiến đấu có hiệu quả, Mao đột ngột có đường lối mới. Ông ta nói rằng trong khi Mỹ đánh nhau với ta, ông ấy sẽ mang quân đội [Trung Quốc] vào giúp ta làm đường. Mục đích chính của ông ấy là tìm hiểu tình hình Việt Nam để sau này có thể đánh ta và từ đó bành trướng xuống Đông Nam Á. Không còn lý do nào khác. Chúng ta biết vậy nhưng phải chấp nhận [việc đưa quân Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam]. Chuyện này thì cũng được. Họ quyết định đưa quân vào. Tôi chỉ yêu cầu là họ đưa người không thôi, nhưng quân đội họ vào mang cả súng ống, đạn dược. Tôi lại đành phải đồng ý.

Sau đó ông ấy [Mao Trạch Đông] bắt ta tiếp nhận hai vạn quân, đến để làm đường từ Nghệ Tĩnh vào Nam. Tôi từ chối. Họ vẫn liên tục yêu cầu nhưng tôi không thay đổi ý kiến. Họ bắt tôi phải cho họ vào nhưng tôi không chấp nhận. Họ tiếp tục gây áp lực nhưng tôi vẫn không đồng ý. Các đồng chí, tôi đưa ra những ví dụ này để các đồng chí thấy được âm mưu lâu dài của họ là muốn cướp nước ta, và âm mưu của họ xấu xa tới chừng nào.

Sau khi Mỹ đưa vài trăm ngàn quân vào miền Nam, chúng ta đã tiến hành Tổng tiến công Mậu Thân 1968, buộc chúng phải xuống thang. Để đánh bại đế quốc Mỹ ta phải biết cách kéo địch xuống thang dần dần. Đó là chiến lược của ta. Chúng ta chiến đấu chống lại một kẻ địch lớn, có dân số hơn hai trăm triệu người và họ từng thống trị thế giới. Nếu ta không thể bắt họ xuống thang dần từng bước, thì ta sẽ lúng túng và không thể tiêu diệt kẻ thù được. Ta phải đánh cho chúng tê liệt ý chí để buộc chúng đến bàn đàm phán và không cho phép chúng đưa thêm quân vào.

Khi đã đến lúc họ muốn đàm phán với chúng ta, Hà Vĩ viết thư cho ta nói: “Các anh không thể ngồi xuống đàm phán với Mỹ được. Các anh phải kéo quân Mỹ vào miền Bắc mà đánh chúng”. Ông ta đã gây sức ép bằng cách đó, khiến chúng ta hết sức bối rối. Đó hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản. Thật là mệt mỏi mỗi khi những tình huống tương tự [với Trung Quốc] lại xảy ra.

Chúng ta đã quyết định rằng không thể làm theo cách đó được [về ý kiến của Hà Vĩ không nên đàm phán với Mỹ]. Ta đã ngồi xuống ở Paris. Ta đã kéo Mỹ xuống thang để đánh bại chúng. Trong khi đó Trung Quốc lại tuyên bố [với Mỹ]: “Nếu người không đụng đến ta thì ta cũng không đụng đến người. Muốn mang bao nhiêu quân vào Việt Nam, điều đó tùy theo các anh”. Trung Quốc, theo ý của họ, đã làm như vậy và ép ta làm theo.

Họ đã tích cực đổi chác với Mỹ và dùng ta làm con bài để mặc cả như thế đấy. Khi người Mỹ nhận ra rằng họ đã thua, ngay lập tức họ sử dụng Trung Quốc để xúc tiến việc rút quân ở miền Nam sao cho thuận lợi. Nixon và Kissinger đã đến Trung Quốc để thảo luận việc này.

Trước khi Nixon đến Trung Quốc, [mục tiêu chuyến đi này của ông ta] nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam theo chiều hướng có lợi cho Mỹ và giảm thiểu đến tối đa sự thất bại của họ, đồng thời cho phép ông ta lôi kéo Trung Quốc gần hơn về phía Mỹ, Chu Ân Lai đã đến gặp tôi. Châu nói với tôi: “Vào lúc này, Nixon sắp đến gặp tôi, chủ yếu là để thảo luận vấn đề Việt Nam, do đó tôi nhất định phải đến gặp đồng chí để bàn bạc.”

Tôi trả lời: “Thưa đồng chí, đồng chí có thể nói bất kỳ điều gì đồng chí muốn, nhưng tôi vẫn không hiểu. Đồng chí là người Trung Quốc; tôi là người Việt Nam. Việt Nam là đất nước của [chúng] tôi, hoàn toàn không phải là của các đồng chí. Đồng chí không có quyền phát biểu [về công việc của Việt Nam], và đồng chí không có quyền thảo luận [những chuyện đó với Mỹ] (7). Hôm nay, thưa đồng chí, tôi nói riêng với đồng chí một điều, mà thậm chí tôi chưa từng nói với Bộ Chính trị của chúng tôi, rằng các đồng chí đã đặt ra một vấn đề nghiêm trọng và vì vậy tôi cần phải nói:

Năm 1954, khi Việt Nam chiến thắng ở Điện Biên Phủ, tôi đang ở Hậu Nghĩa. Bác Hồ đánh điện cho tôi, nói rằng tôi cần phải đi Nam để tổ chức lại [các lực lượng ở đó] và nói chuyện với đồng bào miền Nam [về việc này] (8). Tôi đi xe thổ mộ xuôi Nam. Dọc đường đồng bào đổ ra chào đón tôi vì họ nghĩ chúng tôi đã chiến thắng. Thật đau lòng xiết bao! Nhìn đồng bào miền Nam tôi đã khóc. Bởi vì sau đó Mỹ sẽ nhảy vào miền Nam và tàn sát đồng bào tôi một cách dã man.

Vào tới nơi, tôi lập tức đánh điện cho bác Hồ yêu cầu được ở lại và không tập kết ra Bắc, để có thể tiếp tục chiến đấu mười năm nữa hoặc lâu hơn. [Tôi nói với Chu Ân Lai]: “Thưa đồng chí, đồng chí đã gây ra những khó khăn cho chúng tôi như vậy đấy [muốn nói đến vai trò của ông ta trong việc chia cắt Việt Nam tại hội nghị Giơ ne vơ năm 1954]. Đồng chí có biết thế không?”

Chu Ân Lai đáp: “Tôi xin lỗi các đồng chí. Tôi đã sai. Tôi đã sai trong chuyện này [ám chỉ việc chia cắt Việt Nam tại Giơ ne vơ] (9). Sau khi Nixon đã đi thăm Trung Quốc, ông ta [Châu] lại sang Việt Nam một lần nữa để hỏi tôi về một số vấn đề liên quan đến cuộc chiến đấu trong Nam.

Tuy nhiên tôi cũng nói ngay với Chu Ân Lai: “Nixon đã gặp các đồng chí. Chẳng bao lâu nữa họ [Mỹ] sẽ tấn công chúng tôi mạnh hơn”. Tôi hoàn toàn không sợ. Cả hai bên [Mỹ và Trung Quốc] đã thỏa thuận với nhau nhằm đánh ta mạnh hơn. Ông ấy [Châu] đã không phản đối quan điểm này là không có cơ sở, và chỉ nói rằng: “Tôi sẽ gửi thêm súng ống đạn dược cho các đồng chí”. Rồi ông ta nói [về sự e ngại một âm mưu bí mật giữa Mỹ và Trung Quốc]: “Không có chuyện đó đâu”. Dẫu sao họ cũng đã thảo luận đánh ta mạnh hơn như thế nào, kể cả ném bom bằng B-52 và phong tỏa cảng Hải Phòng. Vấn đề rõ ràng là như vậy.

Nếu Liên Xô và Trung Quốc không bất đồng với nhau thì Mỹ không thể đánh chúng ta một cách tàn bạo như chúng đã làm. Chừng nào hai nước [Trung Quốc và Liên Xô] còn xung đột thì người Mỹ sẽ không bị ngăn trở [vì sự phản đối của khối Xã hội chủ nghĩa thống nhất]. Mặc dầu Việt Nam đã có thể đoàn kết với cả hai nước Trung Quốc và Liên Xô, nhưng để làm việc này là hết sức khó khăn vì lúc đó chúng ta phải dựa vào Trung Quốc rất nhiều. Thời gian đó Trung Quốc hàng năm viện trợ cho ta nửa triệu tấn lương thực, cũng như súng ống, đạn dược, tiền bạc, chưa nói đến cả đô la nữa. Liên Xô cũng giúp ta tương tự như vậy. Nếu chúng ta không làm được điều đó [giữ gìn sự thống nhất và đoàn kết với họ] thì mọi chuyện có thể hết sức nguy hiểm. Hàng năm tôi phải sang Trung Quốc hai lần để trình bày với họ [ban lãnh đạo Trung Quốc] về các diễn biến ở trong Nam. Còn với Liên Xô, tôi không cần phải nói gì cả [về tình hình miền Nam]. Tôi chỉ nói chung chung. Khi làm việc với phía Trung Quốc, tôi phải nói rằng cả hai chúng ta đang cùng đánh Mỹ. Tôi đã đi (sang đấy) một mình. Tôi phải tham dự vào những chuyện đó. Tôi phải sang Trung Quốc và bàn bạc với họ nhiều lần như vậy với mục đích chính là thắt chặt quan hệ song phương [Trung Quốc và Việt Nam]. Chính vào lúc đó Trung Quốc ép chúng ta phải tách xa khỏi Liên Xô, cấm ta không được đi cùng với Liên Xô nữa (10).

Họ làm rất căng thẳng chuyện này. Đặng Tiểu Bình, cùng với Khang Sinh (11), đến nói với tôi: “Đồng chí, chúng tôi sẽ giúp các anh vài tỷ (Nhân dân tệ) một năm. Các anh không được nhận gì từ Liên Xô nữa.”

Tôi không chấp nhận như vậy. Tôi nói: “Không, chúng tôi nhất định phải đoàn kết và thống nhất với toàn phe Xã hội chủ nghĩa.” (12)

Năm 1963, khi Nikita Khơrútxốp có sai lầm, Trung Quốc lập tức ra Cương lĩnh 25 điểm và mời Đảng ta đến và góp ý kiến.(13) Anh Trường Chinh và tôi cùng đi với một số anh em khác. Trong khi bàn bạc, họ [Trung Quốc] lắng nghe ta chừng mười điểm gì đó, nhưng khi tới ý kiến “không xa rời phe Xã hội chủ nghĩa” (14) thì họ không nghe nữa… Đặng Tiểu Bình nói: “Tôi chịu trách nhiệm về văn bản của chính tôi. Tôi xin ý kiến các đồng chí nhưng tôi không chấp nhận điểm này của các đồng chí.”

Trước khi đoàn ta về nước, Mao có tiếp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi trò chuyện cùng chúng tôi và đến cuối câu chuyện ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn các đồng chí biết việc này. Tôi sẽ là Chủ tịch của 500 triệu bần nông và tôi sẽ mang một đạo quân đánh xuống Đông Nam Á.” (15) Đặng Tiểu Bình cũng ngồi đó và nói thêm: “Đó chủ yếu là vì bần nông của chúng tôi đang ở trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn!”

Khi chúng tôi đã ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Anh thấy đấy, một âm mưu cướp nước ta và cả Đông Nam Á. Bây giờ chuyện đã minh bạch.” Họ dám ngang nhiên tuyên bố như vậy. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Rõ ràng là không một phút nào họ không nghĩ tới việc đánh Việt Nam!

Tôi sẽ nói thêm để các đồng chí có thể thấy rõ hơn tầm quan trọng quân sự của việc này. Mao hỏi tôi:

- Lào có bao nhiêu cây số vuông?

Tôi trả lời:

- Khoảng 200 nghìn [cây số vuông].

- Dân số của họ là bao nhiêu? [Mao hỏi]

- [Tôi đáp:] Gần ba triệu.

- [Mao nói:] Thế thì cũng không nhiều lắm! Tôi sẽ mang người của chúng tôi xuống đấy!

- [Mao hỏi:] Thái Lan thì có bao nhiêu cây số vuông?

- [Tôi trả lời:] Khoảng 500 nghìn.

- Và có bao nhiêu người? [Mao hỏi]

- Gần 40 triệu! [Tôi đáp]

- Trời ơi! [Mao nói], tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500 nghìn cây số vuông mà có tới 90 triệu dân. Tôi sẽ lấy thêm một ít người của chúng tôi đi xuống đấy nữa [Thái Lan]!

Đối với Việt Nam, họ không dám nói thẳng về việc di dân như vậy. Tuy nhiên, ông ta [Mao] nói với tôi: “Các đồng chí, có thật người Việt Nam đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên không?” Tôi nói: “Đúng.” “Thế có thật là các anh cũng đánh bại cả quân Thanh nữa phải không?” Tôi đáp: “Đúng.” Ông ta lại hỏi: “Và cả quân Minh nữa, đúng không?” Tôi trả lời: “Đúng, và cả các ông nữa. Tôi sẽ đánh bại cả các ông. (16)) Ông có biết thế không?” Tôi đã nói với Mao như vậy đó. Ông ấy nói: “Đúng! Đúng!” Mao muốn chiếm Lào, cả nước Thái Lan… cũng như muốn chiếm toàn vùng Đông Nam Á. Mang người đến ở đó. Thật là phức tạp.

Trong những năm trước [về các vấn đề có thể nảy sinh từ mối đe dọa của Trung Quốc trong những thời kỳ đó], chúng ta đã có sự chuẩn bị tích cực chứ không phải chúng ta không chuẩn bị gì. Nếu chúng ta không chuẩn bị thì tình hình vừa qua đã có thể rất nguy. Đó không phải là chuyện đơn giản. Mười năm trước tôi đã có mời anh em bên quân đội đến gặp tôi. Tôi nói với họ rằng Liên Xô và Mỹ đang có mâu thuẫn với nhau. Còn Trung Quốc, họ lại bắt tay với đế quốc Mỹ. Trong tình hình căng thẳng như vậy các anh phải lập tức nghiên cứu vấn đề này. Tôi sợ bên quân đội anh em chưa hiểu nên tôi nói thêm rằng không có cách nào khác để hiểu vấn đề này. Nhưng họ phát biểu rằng chuyện này rất khó hiểu. Đúng là không dễ dàng chút nào. Nhưng tôi không thể nói cách khác được. Và tôi cũng không cho phép ai căn vặn mình. (17)

Khi tôi đi Liên Xô, họ cũng rất cứng rắn với tôi về Trung Quốc. Liên Xô đã triệu tập một hội nghị 80 đảng [Cộng sản] để ủng hộ Việt Nam, nhưng Việt Nam không tham dự hội nghị này, vì [hội nghị] không chỉ nhằm giúp đỡ Việt Nam mà còn dự định lên án Trung Quốc. Do đó Việt Nam đã không đi. Phía Liên Xô hỏi: “Các anh đã từ bỏ chủ nghĩa quốc tế rồi hay sao? Tại sao các anh lại làm như vậy?” Tôi đáp: “Tôi hoàn toàn không từ bỏ chủ nghĩa quốc tế. Tôi chưa hề làm như vậy. Tuy nhiên, muốn là người theo chủ nghĩa quốc tế thì trước hết phải đánh bại đế quốc Mỹ. Và nếu người ta muốn đánh Mỹ thì phải thống nhất và đoàn kết với Trung Quốc. Nếu tôi đi dự hội nghị này thì Trung Quốc sẽ gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho chúng tôi. Xin các đồng chí hiểu cho.”

Ở Trung Quốc có rất nhiều ý kiến khác nhau và đang tranh cãi. Chu Ân Lai đồng ý xây dựng cùng Liên Xô một mặt trận chống Mỹ. Một lần tôi đến Liên Xô dự lễ Quốc khánh, tôi có được đọc một bức điện của Trung Quốc gửi Liên Xô nói rằng “nếu Liên Xô bị tấn công thì Trung Quốc sẽ kề vai sát cánh cùng Liên bang Xô viết.”(18) Đó là nhờ Hiệp ước hữu nghị Xô – Trung được ký kết trước đây [tháng 2-1950]. Ngồi cạnh Chu Ân Lai tôi hỏi ông ấy: “Trong bức điện mới đây gửi Liên Xô, các đồng chí đã đồng ý cùng với Liên Xô thành lập một mặt trận, nhưng tại sao các đồng chí lại không thành lập một mặt trận chống Mỹ?” Chu Ân Lai đáp: “Chúng tôi có thể. Tôi đồng tình với quan điểm của đồng chí. Tôi sẽ thành lập một mặt trận với các đồng chí [về Việt Nam]. Bành Chân (19) cũng đang ngồi đó, nói thêm: “Ý kiến này cực kỳ đúng đắn!” Nhưng khi vấn đề được đưa ra thảo luận ở Thượng Hải, Mao nói rằng không thể được và gạt bỏ ý kiến này. Các đồng chí đã thấy vấn đề phức tạp ra sao.

Mặc dầu Chu Ân Lai có bảo lưu một số ý kiến, dẫu sao ông cũng đã đồng ý thành lập một mặt trận và đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều. Chính nhờ ông mà tôi hiểu [nhiều chuyện đang diễn ra ở Trung Quốc]. Nếu không thì có thể rất nguy hiểm. Có lần ông ấy nói với tôi: “Tôi phải làm hết sức mình để sống sót ở đây, dùng Lý Cường (20) để tích lũy và cung cấp viện trợ cho các đồng chí.” Và thế đấy [ám chỉ Châu đã có thể dùng Lý Cường vào việc giúp đỡ Việt Nam]. Tôi hiểu rằng nếu không có Chu Ân Lai thì không thể có được sự viện trợ như vậy. Tôi thật biết ơn ông ta.

Tuy nhiên cũng không đúng, nếu nói rằng những người khác trong ban lãnh đạo Trung Quốc có cùng quan điểm với Chu Ân Lai. Họ khác nhau trên nhiều phương diện. Nhưng có thể nói rằng người kiên trì nhất, người có đầu óc đại Hán và người muốn chiếm cả vùng Đông Nam Á, chính là Mao. Tất cả mọi chính sách [của Trung Quốc] đều nằm trong tay Mao.

Cũng có thể nói như vậy về các nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc. Chúng ta không biết trong tương lai mọi chuyện sẽ ra sao, nhưng dẫu sao [sự thực là] họ đã tấn công ta. Trước đây Đặng Tiểu Bình đã từng làm hai việc mà giờ đây lại lật ngược hẳn lại. Đó là, khi ta thắng lợi ở miền Nam, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng. Tuy nhiên Đặng Tiểu Bình cũng vẫn cứ chúc mừng ta. Kết quả là ông ta lập tức bị những người khác coi là phần tử xét lại.

Khi tôi đi Trung Quốc lần cuối cùng (21), tôi là trưởng đoàn, và tôi đã gặp đoàn đại biểu Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình dẫn đầu. Khi nói tới vấn đề lãnh thổ, gồm cả thảo luận về một số hòn đảo, tôi có nói: “Hai nước chúng ta nằm cạnh nhau. Có một số khu vực trên lãnh thổ chúng tôi chưa được phân định rõ ràng. Cả hai phía chúng ta cần phải thành lập một ủy ban để xem xét vấn đề này. Thưa các đồng chí, xin hãy nhất trí với tôi [về chuyện này]. Ông ấy [Đặng] đã đồng ý, nhưng vì vậy mà sau đó ông ta lại bị các nhóm lãnh đạo khác chụp mũ xét lại tức thời.

Nhưng bây giờ thì ông ấy [Đặng] điên thật rồi. Bởi vì ông ta muốn tỏ ra mình không phải là xét lại nên ông ta đã đánh Việt Nam mạnh hơn. Ông ta đã bật đèn xanh cho họ tấn công Việt Nam.

Sau khi đánh bại đế quốc Mỹ, chúng ta vẫn giữ một đạo quân hơn một triệu người. Một số lãnh đạo Liên Xô đã hỏi ta: “Các đồng chí còn định đánh nhau với ai nữa mà lại vẫn duy trì một đội quân [thường trực] lớn như vậy?” Tôi đáp: “Sau này các đồng chí sẽ hiểu.” Lý do duy nhất khiến chúng ta giữ một đạo quân thường trực như vậy chính là vì Trung Quốc [mối đe dọa của họ đối với Việt Nam]. Nếu như không có [sự đe dọa đó] thì đội quân [thường trực lớn] này sẽ không còn cần thiết nữa. Đã bị tấn công gần đây trên cả hai mặt trận, [chúng ta có thể thấy rõ rằng] sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta không duy trì một đội quân lớn.

(B) [Ý nghĩa của chữ B này trong bản gốc không được rõ] – Từ cuối Đại chiến thế giới thứ hai, tất cả đều cho rằng đế quốc Mỹ chính là tên sen đầm quốc tế. Chúng có thể xâm chiếm và đe dọa các nước khác trên thế giới. Mọi người, kể cả các cường quốc, đều sợ Mỹ. Duy chỉ có Việt Nam là không sợ Mỹ mà thôi.

Tôi hiểu được điều này nhờ cuộc đời hoạt động của mình đã dạy tôi như vậy. Người đầu tiên sợ [Mỹ] chính là Mao Trạch Đông. Ông ta nói với tôi, cả Việt Nam và Lào, rằng: “Các anh phải lập tức chuyển giao ngay hai tỉnh giải phóng của Lào cho chính quyền Viên Chăn. Nếu không thì Mỹ sẽ lấy cớ để tấn công. Thế thì hết sức nguy hiểm.” Về phía Việt Nam, chúng ta nói: “Chúng tôi sẽ đánh Mỹ để giải phóng miền Nam.” Ông ta [Mao] nói: “Các anh không được làm như vậy. Miền Nam Việt Nam cần phải trường kỳ mai phục, có thể một đời người, năm đến mười đời, thậm chí hai mươi đời nữa. Các anh không thể đánh Mỹ. Đánh nhau với Mỹ là một việc nguy hiểm.” Mao Trạch Đông đã sợ Mỹ đến như vậy…

Nhưng Việt Nam không sợ. Việt Nam đã tiến lên và chiến đấu. Nếu Việt Nam không đánh Mỹ thì miền Nam sẽ không được giải phóng. Một nước chưa được giải phóng thì vẫn cứ là một nước phụ thuộc. Không có nước nào được độc lập nếu chỉ có một nửa nước được tự do. Đó là tình hình cho đến năm 1975, khi đất nước ta cuối cùng đã giành được hoàn toàn độc lập. Có độc lập thì sẽ có tự do. Tự do phải là thứ tự do cho cả nước Việt Nam…

Ăng ghen đã từng nói về chiến tranh nhân dân. Sau đó Liên Xô, rồi Trung Quốc và cả ta nữa cũng nói [về vấn đề này]. Tuy nhiên, ba nước khác nhau rất nhiều về nội dung [của chiến tranh nhân dân]. Sẽ là không đúng nếu chỉ vì anh có hàng triệu người mà anh muốn làm gì thì làm. Trung Quốc cũng nói về chiến tranh nhân dân nhưng [họ chủ trương] “địch tiến ta lùi”. Nói cách khác, phòng ngự là chủ yếu, và chiến tranh chia làm ba giai đoạn, lấy nông thôn bao vây thành thị, trong khi [chủ lực] vẫn lẩn trốn trong vùng rừng núi… Trung Quốc đã thiên về phòng ngự và rất yếu [trong Đại chiến Thế giới thứ hai]. Thậm chí, với 400 triệu dân chống lại quân đội Nhật chỉ có khoảng 300 đến 400 ngàn người, Trung Quốc vẫn không thể đánh bại Nhật. (22)

Tôi phải nhắc lại như vậy vì trước kia Trung Quốc đã gửi cố vấn sang ta nên một số anh em [ta] không hiểu. Họ nghĩ rằng Trung Quốc rất là tài giỏi. Nhưng họ cũng không tài giỏi lắm đâu, và vì thế ta cũng không làm theo [sự cố vấn của Trung Quốc]. (23)

Năm 1952 tôi rời miền Bắc sang Trung Quốc chữa bệnh. Đấy là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài. (24) Tôi đã đánh dấu hỏi về họ [Trung Quốc] và thấy rất nhiều chuyện lạ. Những vùng [đã từng] bị quân Nhật chiếm đóng có dân cư là 50 triệu người, nhưng không có thậm chí một người du kích…

Khi tôi từ Trung Quốc về, tôi gặp bác [Hồ]. Bác hỏi:

- Đây là lần đầu tiên chú đi ra nước ngoài có phải không?

- Vâng, tôi ra nước ngoài lần đầu tiên.

- Chú thấy những gì?

- Tôi thấy hai chuyện: Việt Nam rất dũng cảm và họ [Trung Quốc] hoàn toàn không.

Tôi hiểu điều đó từ bấy giờ. Chúng ta [người Việt Nam] khác hẳn họ. Lòng dũng cảm là đặc tính cố hữu trong từng con người Việt Nam, và do vậy chúng ta chưa từng có chiến lược thiên về phòng ngự. Mỗi người dân là một chiến sĩ.

Gần đây, họ [Trung Quốc] đem vài trăm ngàn quân xâm lấn nước ta. Trên phần lớn mặt trận, ta mới sử dụng dân quân du kích và bộ đội địa phương để đánh trả. Chúng ta không thiên về phòng ngự, và do vậy họ đã thất bại. Họ không thể tiêu diệt gọn một trung đội nào của Việt Nam, còn ta diệt gọn vài trung đoàn và vài chục tiểu đoàn của họ. Đạt được điều đó vì ta có chiến lược nghiêng về tấn công.

Đế quốc Mỹ đã đánh nhau với ta trong một cuộc chiến dài lâu. Họ hết sức mạnh mà vẫn thua. Nhưng ở đây có một yếu tố đặc biệt, đó là sự mâu thuẫn gay gắt giữa Trung Quốc và Liên Xô. [Vì thế], họ đã đánh ta ác liệt như vậy.

Việt Nam chống Mỹ và đánh chúng quyết liệt, nhưng chúng ta cũng biết rằng Mỹ là một nước rất lớn, có khả năng huy động một đội quân mười triệu người và dùng tất cả những vũ khí tối tân nhất để đánh ta. Vì vậy chúng ta phải chiến đấu một thời gian dài để kéo chúng xuống thang. Chúng ta là người có thể làm được như vậy; Trung Quốc thì không. Khi quân Mỹ tấn công Quảng Trị, Bộ Chính trị đã ra lệnh đưa bộ đội vào ứng chiến ngay lập tức. Chúng ta không sợ. Sau đó tôi có sang Trung Quốc để gặp Chu Ân Lai. Ông ta nói với tôi: “Nó [cuộc chiến đấu ở Quảng Trị] có lẽ là độc nhất vô nhị, chưa từng có. Đời người chỉ có một [cơ hội], không hai. Không ai dám làm việc mà các đồng chí đã làm”.

… Chu Ân Lai đã từng là Tổng Tham mưu trưởng. Ông dám nói và ông cũng thẳng thắn hơn. Ông nói với tôi: “Nếu tôi được biết trước cách đánh mà các đồng chí đã sử dụng thì có lẽ chúng tôi không cần đến cuộc Trường chinh.” Vạn lý Trường chinh để làm gì? Vào lúc bắt đầu cuộc Trường chinh họ có một đội quân 300 nghìn người; và khi kết thúc họ chỉ còn lại có 30 nghìn. 270 nghìn đã bị tiêu hao. Đó quả thật là ngu ngốc nếu làm theo cách ấy… [Tôi] nói như vậy để các đồng chí hiểu, chúng ta đã tiến xa hơn bao nhiêu. Sắp tới, nếu ta lại phải chiến đấu chống Trung Quốc, chúng ta nhất định thắng lợi… Dẫu sao, một sự thực là nếu như một nước khác [không phải Việt Nam] phải đánh nhau với Trung Quốc, thì chưa chắc họ có thể thắng như vậy [giống Việt Nam] được.

… Nếu Trung Quốc và Liên Xô nhất trí với nhau, thì cũng chưa chắc là Mỹ sẽ dám đánh ta. Nếu như hai nước đoàn kết và cùng giúp ta, thì cũng chưa chắc rằng Mỹ sẽ dám đánh ta theo cách như chúng đã làm. Họ có thể chùn bước ngay từ đầu. Họ có thể bỏ cuộc như trong thời Tổng thống Kennedy. Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô tất cả cùng giúp Lào và Mỹ tức thời ký hiệp ước với Lào. Họ không dám gửi quân sang Lào, họ chấp nhận cho Đảng [Nhân dân Cách mạng] Lào tham gia vào chính phủ ngay lập tức. Họ không dám tấn công Lào nữa.

Sau đó, khi hai nước [Liên Xô và Trung Quốc] có mâu thuẫn với nhau, phía Mỹ lại được [Trung Quốc] thông báo rằng họ có thể tiếp tục đánh Việt Nam mà không sợ gì cả. Đừng sợ [Trung Quốc trả đũa]. Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông nói với Mỹ: “Nếu người không đụng đến ta thì ta sẽ không đụng đến người. Các anh có thể đưa bao nhiêu quân vào miền Nam Việt Nam cũng được. Điều đó tùy theo các anh.” (25)

… Chúng ta [hiện nay] tiếp giáp với một quốc gia lớn, một nước có những ý đồ bành trướng, mà nếu được thực hiện thì sẽ bắt đầu với cuộc xâm lăng Việt Nam. Như vậy, ta phải gánh vác một vai trò lịch sử nữa, khác trước. Dẫu sao, chúng ta không bao giờ thoái thác nhiệm vụ lịch sử của mình. Trước đây, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình và lần này Việt Nam quyết tâm không cho chúng bành trướng. Việt Nam bảo vệ nền độc lập của chính mình và đồng thời cũng là bảo vệ nền độc lập của các nước Đông Nam Á. Việt Nam quyết không để cho Trung Quốc thực hiện mưu đồ bành trướng của họ. Cuộc chiến gần đây [với Trung Quốc] mới chỉ là một hiệp. Hiện nay họ vẫn đang ráo riết chuẩn bị trên nhiều chiến trường. Dù sao đi nữa, mặc họ chuẩn bị đến mức nào, Việt Nam cũng vẫn sẽ thắng…

Tiến hành chiến tranh không phải là một cuộc dạo chơi trong rừng. Dùng một triệu quân để tiến hành chiến tranh chống nước khác kéo theo vô vàn khó khăn. Chỉ mới đây thôi, họ đem 500 đến 600 ngàn quân đánh chúng ta, mà họ không có đủ phương tiện vận tải để chuyên chở lương thực cho quân đội họ. Trung Quốc hiện nay có một đội quân ba triệu rưỡi người, nhưng họ phải để lại một nửa trên biên giới [Trung-Xô] nhằm phòng ngừa Liên Xô. Vì lý do đó, nếu họ có mang một hoặc hai triệu quân sang đánh ta, chúng ta cũng không hề sợ hãi gì cả. Chúng ta chỉ có 600 ngàn quân ứng chiến và nếu sắp tới chúng ta phải đánh với hai triệu quân, thì cũng không có vấn đề gì cả. Chúng ta không sợ.

Chúng ta không sợ vì chúng ta đã biết cách chiến đấu. Nếu họ mang vào một triệu quân thì họ cũng chỉ đặt được chân ở phía Bắc. Càng đi xuống vùng trung du, vùng đồng bằng châu thổ, và vào Hà Nội hoặc thậm chí vào sâu hơn nữa thì sẽ càng khó khăn. Các đồng chí, các đồng chí đã biết, bè lũ Hitler đã tấn công ác liệt như thế nào, mà khi tiến đến Leningrad chúng cũng không thể nào vào nổi. (Phải đối mặt) với những (làng mạc,) thành phố, nhân dân và công tác phòng ngự, không ai có thể thực hiện một cuộc tấn công hiệu quả chống lại từng người cư dân. Thậm chí có đánh nhau hai, ba hoặc bốn năm chúng cũng không thể nào tiến vào được. Mỗi làng xóm của chúng ta [trên biên giới phía Bắc] là như vậy. Chủ trương của ta là: Mỗi huyện là một pháo đài, mỗi tỉnh là một chiến trường. Chúng ta sẽ chiến đấu và chúng sẽ không thể nào xâm nhập được.

Tuy nhiên, sẽ không đầy đủ nếu chỉ nói đến đánh giặc ngoài tiền tuyến. Ngưới ta cũng cần phải có một đội quân hậu tập trực tiếp, hùng mạnh. Sau khi cuộc chiến vừa qua chấm dứt, chúng ta đã nhận định rằng, sắp tới, ta cần đưa thêm vài triệu người lên (các tỉnh) mặt trận phía Bắc. Nếu giặc đến từ phương Bắc, hậu phương trực tiếp của cả nước sẽ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Hậu phương trực tiếp để bảo vệ Thủ đô phải là Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh. Chúng ta có đủ người. Ta sẽ đánh bằng nhiều cách… Ta có thể dùng hai hoặc ba quân đoàn giáng cho địch một đòn quyết liệt khiến chúng choáng váng, trong khi tiếp tục bảo vệ lãnh thổ của ta. Để làm được như vậy, mỗi người lính phải là một người lính thực sự, mỗi tiểu đội phải là một tiểu đội thực sự.

Vừa trải qua một trận chiến, chúng ta không được chủ quan. Chủ quan khinh địch là không đúng, nhưng thiếu tự tin thì cũng sai. Ta không chủ quan khinh địch nhưng ta cũng đồng thời tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của chúng ta. Ta cần phải có cả hai yếu tố đó.

Trung Quốc hiện đang có âm mưu tấn công ta nhằm bành trướng xuống phía Nam. Nhưng trong thời đại hiện nay người ta không thể làm gì mà che đậy giấu giếm được. Trung Quốc vừa mới gây hấn với Việt Nam có vài ngày, cả thế giới đã đồng thanh hô lớn: “Không được đụng đến Việt Nam!” Thời nay không còn giống như thời xưa nữa. Ngày xưa chỉ có ta (đối mặt) với họ [Trung Quốc]. Ngày nay cả thế giới sát cánh chặt chẽ bên nhau. Nhân loại hoàn toàn chưa bước vào giai đoạn Xã hội chủ nghĩa; thay vì thế bây giờ lại là thời mà mọi người đều mong muốn độc lập và tự do. [Thậm chí] trên những hòn đảo nhỏ, nhân dân ở đó cũng mong muốn độc lập tự do. Cả loài người hiện nay là như vậy. Điều đó rất khác với thời xưa. Khi ấy mọi người còn chưa biết rõ về những khái niệm này. Lời Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” là tư tưởng của thời đại ngày nay. Đụng đến Việt Nam là đụng đến nhân loại và xâm phạm đến độc lập tự do… Việt Nam là quốc gia tượng trưng cho độc lập và tự do.

Khi bàn đánh Mỹ, anh em ta trong Bộ Chính trị đã cùng thảo luận chuyện này để cân nhắc xem ta có dám đánh Mỹ hay không. Tất cả đều đồng ý đánh. Bộ Chính trị đã biểu thị quyết tâm của mình: Để đánh Mỹ chúng ta nhất định phải không sợ Mỹ. Tất cả đã đồng lòng. Trong khi tất cả đều nhất trí đánh Mỹ, để không sợ Mỹ chúng ta cũng phải không sợ Liên Xô. Mọi người đều đồng ý. Chúng ta cũng cần không sợ Trung Quốc. Mọi người đều tán thành. Nếu chúng ta không sợ ba cái (nước lớn) đó, ta có thể đánh Mỹ. Đấy là chúng tôi đã làm việc như thế nào ở Bộ Chính trị trong thời gian đó.

Mặc dầu Bộ Chính trị đã họp và thảo luận như vậy và mọi người đều nhất trí đồng lòng, sau đó lại có người đã nói lại với một đồng chí những điều tôi nói. Người đồng chí đó lại chất vấn Bộ Chính trị, hỏi rằng tại sao anh Ba (26) lại nói rằng nếu chúng ta muốn đánh Mỹ thì chúng ta phải không sợ cả Trung Quốc? Tại sao anh ấy lại đặt vấn đề như vậy? (27)

Lúc đó anh Nguyễn Chí Thanh, một người thường được cho rằng là có cảm tình với Trung Quốc, đứng dậy nói: “Thưa các đồng chí trong Bộ Chính trị và Bác Hồ kính mến, lời phát biểu của anh Ba là đúng. Cần phải nói như vậy [về việc cần phải không sợ Trung Quốc], bởi vì họ [Trung Quốc] đã gây khó khăn cho chúng ta trong nhiều vấn đề. Họ ngăn cản chúng ta ở đây, rồi trói tay ta ở kia. Họ không cho ta đánh…” (28)

Trong khi ta đang chiến đấu trong Nam, Đặng Tiểu Bình đã quy định rằng tôi chỉ nên đánh từ mức trung đội trở xuống, và không được đánh ở mức độ lớn hơn. Ông ta [Đặng] nói: “Ở miền Nam, do các anh đã phạm sai lầm là đã phát động cuộc chiến, các anh chỉ được đánh từ cấp trung đội trở xuống, chứ không được đánh lớn hơn”. Đó là họ đã ép ta như thế nào.

Chúng ta không sợ ai cả. Ta không sợ bởi vì ta có chính nghĩa. Chúng ta không sợ thậm chí các nước đàn anh. Ta cũng không sợ bạn bè ta. (29) Tất nhiên, chúng ta không sợ quân thù. Ta đã đánh chúng. Chúng ta là những con người; chúng ta không phải sợ bất kỳ ai. Chúng ta độc lập. Cả thế giới biết rằng ta độc lập.

Chúng ta phải có một quân đội mạnh, bởi vì nước ta đang bị đe dọa và bị bắt nạt… Không thể nào khác được. Nếu không thì sẽ rất nguy hiểm vì ta là một nước nghèo.

Ta có một đội quân mạnh, nhưng việc đó không làm chúng ta yếu đi chút nào. Đối với ta Trung Quốc có một số chủ trương: Xâm lược và chiếm đóng nước ta; làm ta suy yếu về kinh tế và làm cho đời sống của nhân dân ta khó khăn hơn. Vì những lý do đó, để chống Trung Quốc chúng ta phải, trước hết, không chỉ chiến đấu, mà còn phải tự làm cho mình mạnh lên. Để đạt được điều đó, theo quan điểm của tôi, quân đội ta không thể là một đội quân chỉ dựa vào nguồn cung cấp của nhà nước, mà còn phải là một đội quân sản xuất giỏi. Khi giặc đến họ sẽ cầm chắc tay súng. Khi không có giặc họ sẽ sản xuất mạnh mẽ. Họ sẽ là biểu tượng cao nhất và tốt nhất trong sản xuất, sẽ làm ra nhiều (của cải vật chất) hơn bất cứ ai. Tất nhiên, đấy không phải là chuyện mới lạ. (30)

Hiện nay, quân đội ta đang gánh vác một sứ mệnh lịch sử: bảo vệ độc lập và tự do của đất nước, đồng thời bảo vệ hòa bình và độc lập trên toàn thế giới. Nếu chính sách bành trướng của bè lũ phản cách mạng Trung Quốc không thể thực hiện được thì đó chính là lợi ích của cả thế giới. Việt Nam có thể làm được. Việt Nam đã có năm chục triệu người. Việt Nam có Lào và Căm bốt là bạn và có địa thế hiểm trở. Việt Nam có cả phe (Xã hội chủ nghĩa) ta và cả nhân loại đứng về phiá mình. Rõ ràng là chúng ta có thể làm được việc đó.

… Các đồng chí có thấy ai ở trong Đảng ta, trong nhân dân ta mà hoài nghi rằng ta sẽ thua Trung Quốc không? Không có ai, tất nhiên rồi. Nhưng chúng ta phải duy trì những quan hệ thân hữu của mình. Chúng ta không muốn sự hằn thù dân tộc. Tôi nhắc lại: Tôi nói như vậy vì không bao giờ tôi mang lòng hận thù đối với Trung Quốc. Tôi không có thứ tình cảm như vậy, dù chính họ là người đã đánh ta. Hôm nay tôi muốn các đồng chí biết rằng trên đời này người đã từng bảo vệ Trung Quốc lại chính là tôi! Đúng như vậy đó. Tại sao thế? Bởi vì trong hội nghị ở Bucharest tháng 6 năm 1960, sáu mươi đảng đã phản đối Trung Quốc nhưng chỉ có mình tôi là người đã bênh vực Trung Quốc. (31) Nhân dân Việt Nam ta là như vậy. Tôi sẽ tiếp tục nhắc lại rằng: Dù họ có đối xử tồi tệ đến đâu chăng nữa, chúng ta biết rằng nhân dân Trung Quốc là bạn ta. Về phía chúng ta, ta không mang những mặc cảm xấu xa đối với Trung Quốc. Còn về ý đồ của một số lãnh đạo [Trung Quốc] thì là chuyện khác. Chúng ta nhắc tới họ chỉ như một bè lũ mà thôi. Chúng ta không ám chỉ cả nước họ. Ta không nói nhân dân Trung Quốc xấu với ta. Ta nói rằng chỉ có bè lũ phản cách mạng Bắc Kinh là như thế. Tôi nhắc lại lần nữa ta phải tuân thủ nghiêm nhặt như vậy.

Tóm lại, hãy giữ cho tình hình trong vòng kiểm soát chặt chẽ, sẵn sàng chiến đấu và không bao giờ lơi là cảnh giác. Đối với Trung Quốc ta cũng làm như vậy. Tôi tin chắc rằng trong vòng năm mươi năm nữa, hoặc thậm chí có thể một trăm năm, chủ nghĩa xã hội sẽ thành công; và khi đó thì ta sẽ không còn vấn đề gì nữa. Nhưng nó đòi hỏi thời gian. Bởi vậy chúng ta phải chuẩn bị và sẵn sàng trên mọi phương diện.

Bây giờ không ai còn hoài nghi gì nữa. Nhưng 5 năm trước tôi biết chắc rằng không có đồng chí nào lại nghĩ là Trung Quốc có thể đánh ta. Vậy mà có đấy. Đó là trường hợp vì các đồng chí ấy không có hiểu biết đầy đủ về vấn đề này. (32) Nhưng đó không phải là trường hợp xảy ra với chúng ta [Lê Duẩn và ban lãnh đạo]. (33) Chúng ta biết rằng họ sẽ đánh ta trong khoảng mười năm hoặc hơn. Do đó chúng ta không bị bất ngờ [vì cuộc tấn công tháng giêng 1979 của Trung Quốc].

Ghi chú của Christopher E. Goscha:
1. Tài liệu này được dịch từ bản sao một số trích đoạn trong bản gốc. Nó được chép lại từ bản gốc lưu trữ trong Thư viện Quân đội, Hà Nội. Christopher E. Goscha, người dịch tài liệu này (ra tiếng Anh) đã được phép hoàn toàn đầy đủ để làm việc đó. Văn bản là bài nói chuyện được cho là của “đồng chí B”. Nó có thể do chính đồng chí B viết, nhưng có nhiều khả năng hơn nó là bản đánh máy của một người nào đó dự buổi nói chuyện của “đồng chí B” (một cán bộ cao cấp hoặc một thư ký đánh máy). Trong văn bản, đồng chí B có đề cập rằng, trong những cuộc họp của Bộ Chính trị ông ta được gọi là anh Ba. Đó là bí danh mà chúng ta được biết là của Tổng Bí thư Lê Duẩn, đã dùng trong Đảng Lao động Việt Nam (từ 1976 là “Đảng Cộng sản Việt Nam”). Mặc dầu tài liệu không đề ngày tháng, nhưng rõ ràng văn bản được viết trong năm 1979, sau cuộc tấn công Việt Nam của Trung Quốc. Nó được củng cố thêm bằng một tài liệu khác mang tính cáo buộc mạnh mẽ, xuất bản năm 1979 theo chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó đã liệt kê tuần tự sự phản bội của Trung Quốc và, không hoàn toàn bất ngờ, cùng đề cập đến nhiều sự kiện mà Lê Duẩn đã kể lại trong tài liệu này. Xem: Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Sự Thật, 1979). Trong phần Ghi chú này có cho thêm số trang trong bản tiếng Pháp của cùng văn kiện: Ministère des Affaires Étrangères, La vérité sur les relations vietnamo- chinoises durant les trente dernière années. Dịch giả xin cám ơn Thomas Engelbert, Stein Tønnesson, Nguyen Hong Thach, và hơn cả là một độc giả Việt Nam ẩn danh, đã sửa chữa và đóng góp cho nhiều ý kiến quý báu. Dịch giả xin chịu trách nhiệm về những sai sót trong bản dịch này.

2. Những dấu tỉnh lược (…) như vậy là nguyên văn trong bản gốc; những dấu tỉnh lược và nhận xét của dịch giả được đặt trong dấu ngoặc vuông: […].

3. Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 đã cho Pathet Lao, đồng minh gần gũi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một khu vực tập kết tạm thời ở hai tỉnh (Bắc Lào) Phong xa lỳ và Sầm Nưa. Không có một nhượng địa tương tự cho Khơ me It xa la, đồng minh của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

4. Cuốn sách Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua cho biết cuộc hội đàm cấp cao về Lào diễn ra vào tháng 8 – 1961 (La vérité sur les relations vietnamo- chinoises durant les trente dernière années, trang 34).

5. Trương Văn Thiên là một trong những thành viên của Đoàn đại biểu Trung Quốc, người đã có mặt khi Lê Duẩn phát biểu những nhận xét này. Ông còn là Thứ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là Ủy viên lâu năm trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong những năm 1950 ông ta là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị giữ trách nhiệm về liên lạc đối ngoại với các nước Xã hội chủ nghĩa.

6. Sách Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua đã miêu tả cuộc gặp gỡ như sau: “Trong một cuộc trao đổi ý kiến với những người lãnh đạo Việt Nam, Ủy viên trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trương Văn Thiên cho rằng ở miền Nam Việt Nam có thể tiến hành đánh du kích. Nhưng sau đó Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, theo chỉ thị của Bắc Kinh, đã thông báo với phía Việt Nam rằng đó không phải là ý kiến của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mà chỉ là ý kiến cá nhân. The Truth…, trang 40. (La vérité…, trang 31.)

7. Xem Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, trang 60. (La vérité…, trang 47.)

8. Lê Duẩn muốn nói đến nhiệm vụ giải thích việc tập kết cán bộ miền Nam ra Bắc. Lê Duẩn cũng cố tình lảng tránh không đề cập đến việc Trung Quốc đã giúp Việt Nam chiến thắng ở Điện Biên Phủ năm 1954.

9. Xem Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua trang 60, đoạn phía Việt Nam đã nói với Trung Quốc tháng 11-1972: “Việt Nam là của chúng tôi; các đồng chí không được bàn với Mỹ về vấn đề Việt Nam. Các đồng chí đã nhận sai lầm năm 1954 rồi, bây giờ không nên sai lầm một lần nữa”. (La vérité…, trang 47.)

10. Một trong những thư ký của Lê Duẩn, Trần Quỳnh, gần đây đã cho lưu hành ở Việt Nam cuốn Hồi ức của ông ta, trong đó có nhiều chi tiết lý thú về đường lối của Lê Duẩn đối với sự phân liệt Trung Xô và sự chia rẽ trong (hàng ngũ cán bộ cao cấp của) Đảng Lao động Việt Nam về vấn đề này trong những năm 1960. Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn, không in ngày tháng, tự xuất bản, dịch giả hiện có một bản.

11. Khang Sinh (1903-1975), một trong những chuyên viên hàng đầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về an ninh quốc gia. Ông ta được Bộ Nội vụ (NKVD) Liên Xô đào tạo trong những năm 1930, và trở thành cố vấn thân cận nhất cho Mao trong việc cắt nghĩa những chính sách của Liên Xô. Khang Sinh cũng từng là Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1962, và Ủy viên Bộ Chính trị từ 1969; giữa 1973 và 1975 ông ta là Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị.

12. Xem Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua trang 43, trong đó Việt Nam tuyên bố là Đặng Tiểu Bình đã hứa sẽ coi Việt Nam là ưu tiên số một trong vấn đề viện trợ cho nước ngoài để đổi lấy việc Việt Nam sẽ khước từ mọi viện trợ của Liên Xô. (La vérité…, trang 33.)

13. Xem “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” trang 43. (La vérité…, trang 33) và cả Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn.

14. Tháng 11-1966, Liên Xô lên án Trung Quốc đã từ bỏ đường lối Cộng sản thế giới đã được thông qua tại các Hội nghị Mascơva 1957 và 1960. Xem thêm Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn.

15. Bộ Ngoại giao, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua cho biết Mao đã phát biểu như vậy với đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963. Trong sách đã trích dẫn lời Mao nói: “Tôi sẽ làm Chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam châu Á.” (La vérité…, trang 9).

16. Đoạn này có thể dịch (sang tiếng Anh) là “và tôi sẽ đánh bại cả các anh nữa” hoặc “tôi có thể đánh bại cả các anh”.

17. Đối với dịch giả (Christopher E. Goscha), chỗ này không được rõ là Lê Duẩn muốn nói tới ai khi dùng chữ “quân sự”. (Ngược lại, đối với người dịch ra tiếng Việt thì rõ ràng trong ngôn cảnh này ông nói là tôi mời một số anh em bên quân đội…, một cách nói thân mật, thường dùng thời đó nhưng tất nhiên hàm chỉ một số tướng tá cao cấp).

18. Đây có lẽ dựa vào lời Đại sứ Trung Quốc tại Máscơva chuyển cho phía Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị, Đồng minh và Tương trợ Trung-Xô. Đại sứ Trung Quốc Phan Tự lực đã nói với Liên Xô: “Nếu bọn đế quốc dám tấn công Liên Xô, nhân dân Trung Quốc không hề ngần ngại, sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước và cùng với nhân dân Liên Xô vĩ đại… sẽ kề vai sát cánh chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng.” Trích từ Donald S. Zagoria, Mạc tư khoa, Bắc Kinh, Hà nội (New York: Pegasus, 1967), trang 139-140.

19. Bành Chân là Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc từ 1951 đến 1969.

20. Lý Cường là Phó Chủ tịch Ủy ban liên lạc kinh tế đối ngoại của Quốc vụ viện từ 1965 đến 1967. Giữa 1968 và 1973, ông là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, và từ 1973 là Bộ trưởng Ngoại thương Trung Quốc.

21. Đây muốn nói tới chuyến đi của Lê Duẩn vào tháng 11-1977.

22. Lê Duẩn quên rằng cho đến tháng 3-1945, thậm chí chỉ với số người ít hơn, Pháp đã có thể cai trị Việt Nam mà không gặp quá nhiều khó khăn.

23. Về cố vấn Trung Quốc, xin xem Qiang Zhai, Trung Quốc và chiến tranh Việt Nam, 1950-1975 (Chapel Hill: Nhà xuất bản Viện đại học North Carolina, 2000), và Christopher E. Goscha, “Bối cảnh châu Á của cuộc chiến Pháp-Việt” luận án trình bày tại Trường Cao đẳng thực hành, thuộc Viện Đại học Sorbonne, Paris, 2000, phần Trung Quốc.

24. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp Lê Duẩn thường xuyên ra miền Bắc, nhưng ông thường được cho là vẫn ở lại miền Nam thời kỳ này trong cương vị Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, mà sau này đổi thành Trung ương cục miền Nam vào đầu năm 1950. Dịch giả cũng hoài nghi việc Lê Duẩn đi Trung Quốc năm 1952. Hồ Chí Minh thì có, nhưng Lê Duẩn thì không.

25. Về chi tiết này, xin xem chương 6 của cuốn sách này.

26. Điều này khẳng định Đồng chí B cũng chính là “Anh Ba”. Ta biết rằng Anh Ba là bí danh của Lê Duẩn, từ đó suy ra Đồng chí B cũng là Lê Duẩn. Từ những sự kiện được nói đến trong văn bản thì điều này là chắc chắn, và cuốn Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn, cũng khẳng định điều này.

27. Ở đây có thể ám chỉ Hoàng Văn Hoan. (Để có cái nhìn toàn cảnh hơn) về một quan điểm cần tranh luận, xin tham khảo thêm cuốn Giọt nước trong biển cả (Hồi ức về một cuộc cách mạng) (Bắc Kinh: Nhà xuất bản Tin Việt Nam, 1986).

28. Xem thêm Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn.

29. Đây có lẽ muốn nói bóng gió tới Liên Xô (và khối Đông Âu).

30. Hình thức chiến tranh này đã từng có ở Trung Quốc và những nơi khác trong hoàn cảnh chiến tranh du kích.

31. Điều này đã diễn ra vào tháng 6-1960. Để biết thêm về lập trường của Lê Duẩn trong vấn đề này xin xem Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn. Sau đại hội Đảng Cộng sản Ru ma ni tháng 6-1960, Liên Xô đã tổ chức một cuộc họp tại chỗ các trưởng đoàn đại biểu những nước có mặt. Trong buổi họp đó Khơ rút xốp đã phê phán Trung Quốc nặng nề, đặc biệt là Mao, người mà ông ta cho là “giáo điều” vì những quan điểm của Mao về vấn đề chung sống hòa bình. Xem Adam B. Ulam, The Communists: The Story of Power and Lost Illusions 1948-1991 (New York: Macmillan, 1992), trang 211.

32. Dường như đây là một cái tát vào mặt Hoàng Văn Hoan mà không phải ai khác.

33. Đây có lẽ muốn nói tới những nhà lãnh đạo khác đang có mặt nghe Lê Duẩn nói chuyện, và có thể là một chỉ hiệu rằng người đồng chí thân Trung Quốc đã nói ở trên không có mặt trong buổi nói chuyện này. Xem thêm Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn.

Nguồn: Thư viện Quân đội, Hà Nội. Tài liệu do Christopher E. Goscha phát hiện và dịch sang tiếng Anh, Nhóm nghiên cứu Việt Nam đương đại, Trường Khoa học Chính trị, Paris.

Bài nói chuyện làm nóng rực Hội nghị Người Việt Nam ở Nước ngoài của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn

Hội nghị người Việt Nam ở Nước ngoài lần 2 đã xuất hiện bất ngờ 1 "ngôi sao" bất đắc dĩ trong hội nghị, bởi vì bài nói chuyện của ông là bài nói chuyện được ủng hộ, phản ứng nồng nhiệt, được quan tâm lắng nghe, và phản hồi tích cực nhất trong tất cả các bài phát biểu, diễn văn trong hội nghị lần này.

Bài nói chuyện giản dị, chân thành, đầy tình cảm yêu nước thiết tha, không giống đang đọc diễn văn mà như đang nói chuyện tự nhiên với quan khách, báo cáo với kiều bào về tình hình Biển Đông, HS-TS, an ninh quốc phòng, và vấn đề đối ngoại với Trung Quốc. Nhiều vấn đề nhạy cảm, những câu chuyện ít người biết và không được đề cập trên báo chí chính thống cũng được nói thẳng ra.

Tướng Nguyễn Thanh Tuấn cũng kể lại câu chuyện chỉ mới đây thôi: Đối đáp giữa TBT Nguyễn Phú Trọng của chúng ta và TBT Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây. 2 lần trả lời, đối đáp thật hay, thật dứt khoát, vừa khôn khéo vừa khí phách, vừa nhu vừa cương của TBT Nguyễn Phú Trọng được thuật lại đã làm khán giả vỗ tay ầm ầm mấy lần, làm tướng Tuấn phải tạm dừng chờ hết tràng vỗ tay rồi mới kể tiếp được.

Khi nghe tướng Tuấn thuật lại đối đáp giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và TBT Hồ Cẩm Đào, vốn nghiện lịch sử từ nhỏ nên mình liên tưởng ngay đến các đối đáp đầy hùng khí giữa Lê Đại Hành với sứ Tống, hay Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi với vua Tàu, và các giai thoại đối đáp Việt - Hoa lưu truyền trong lịch sử. Có thể nói TBT Nguyễn Phú Trọng đã không làm mất mặt, tổn hại quốc thể Việt Nam.

Bài nói chuyện của tướng Nguyễn Thanh Tuấn giản dị, dễ gần, thân thiện, không ba hoa, không sách vở, nói thật nói thẳng và nói trúng vấn đề, nói đúng vào những trọng tâm trọng điểm mà đồng bào và kiều bào cần nghe, muốn nghe. Với một nội dung đầy đủ, chính xác và một phong cách đĩnh đạc, đầy khí phách kiêu hùng Việt Nam, đầy hào khí và tình tự dân tộc. Đó là bài nói chuyện thành công nhất, gây tiếng vang nhất, ấn tượng nhất trong Hội nghị Người Việt Nam ở Nước ngoài lần II.





Chiến tranh năm 1979 và cuộc đấu trí cân não giữa Trung Quốc - Việt Nam - Hoa Kỳ (phần 2/2)

"Đạo quân thứ 5" của Trung Quốc
(tiếp theo phần 1)

Theo "truyền thống" ăn không nói có, đổi trắng thay đen, gắp lửa bỏ tay người, vừa ăn cướp vừa la làng, bóp méo xuyên tạc v.v., Trung Quốc ráo riết tuyên truyền bêu xấu, kể tội Việt Nam trong binh lính và dân chúng của họ, biện minh, lấp liếm bản chất phi nghĩa của cuộc chiến, và rêu rao về "chính nghĩa" của họ trong cuộc chiến “thảo phạt”, tấn công Việt Nam.

Ngay từ trước khi quân Trung Quốc vượt biên giới đánh vào Việt Nam, Trung Quốc đã xuyên tạc tố cáo Việt Nam là khiêu khích, là gây hấn khắp vùng biên giới. Theo bịa đặt của Trung Quốc, quân Việt Nam đã tiến hành "1100 vụ" xâm nhập biên thùy. Trong khi sự thật là lính biên phòng Trung Quốc khiêu khích hàng ngày, thường xuyên nổ súng về phía Nam. Sự gây sự này của Trung Quốc làm cho tình hình biên cương luôn căng thẳng và những vụ đấu súng tại biên giới giữa 2 bên cũng tăng lên, từ khoảng 100 vụ năm 1974 lên tới hơn 900 vụ năm 1976. Việc Trung Quốc đi đêm với Kissinger, dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974, cũng như việc Việt Nam đưa quân giải phóng Trường Sa từ tay Mỹ cũng góp phần khiến cho Trung Quốc bức xúc, cay cú.

Trung Quốc nhồi sọ người dân và đánh lừa dư luận thế giới rằng đây là cuộc chiến "phản công", “phản kích”, “tự vệ”, chống Việt Nam là để "bảo vệ lãnh thổ quốc gia", rằng chiến dịch quân sự này được tiến hành để "trừng phạt", “trừng trị” nhà cầm quyền Việt Nam, cụ thể là "bè lũ Lê Duẩn", và rằng quân đội cần giành được sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam (?). Chiến dịch vận động, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc của Trung Quốc có kết quả với dân chúng và cán bộ Trung Quốc tại vùng biên, khiến họ có thể huy động hàng chục vạn dân công tham gia các hoạt động bảo đảm an ninh và tiếp tế cho quân đội.

Đối với dân thường ở Việt Nam, Trung Quốc bỏ ra nhiều công sức tuyên truyền lôi kéo người dân vùng biên, đặc biệt là với các dân tộc thiểu số sống vắt qua biên giới hai nước như Tày, Nùng (ở Trung Quốc gọi là dân tộc Choang), Dao, Hmong và các nhóm người thiểu số gốc Hoa. Móc nối, liên lạc, sắp đặt, an bài kế hoạch với bọn thám báo, bọn gián điệp nằm vùng đã được TQ cài cắm sẵn, len lỏi vào trong dân.

Kết quả là trong ngày đầu của cuộc chiến, có nơi quân Trung Quốc đã được dẫn vòng qua đồn biên phòng tiến sâu vào đất Việt Nam mà không bị phát hiện. Phục vụ công tác mua chuộc, dụ dỗ, lừa gạt dân chúng tại các khu vực chiến sự, Trung Quốc còn thành lập các đơn vị đặc biệt mà nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức cũng như kiểm tra hoạt động của các đội "dân vận" trong tất cả các đơn vị quân. Theo đó, quân Trung Quốc tiến sang Việt Nam phải kỷ luật, phải giảm tối thiểu những hành động gây xáo trộn, phiền hà đến dân chúng, tôn trọng phong tục tập quán, tài sản, cung cấp gạo, muối, dầu thắp, thuốc chữa bệnh... cho dân cư bản địa.

Chính sách mị dân thâm độc này được một số đơn vị Trung Quốc ở vùng Lào Cai thực hiện. Theo sử gia Edward C. O’Dowd, trong sách "Chinese Military Strategy in the Third Indochina War", ông trích lại tài liệu của Trung Quốc, cho biết đơn vị 56041 (một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 149, Quân đoàn 13, Quân khu Thành Đô) tại Lào Cai và đơn vị 33762 (một trung đoàn thuộc quân khu Vũ Hán) đã thực hiện rất thành công chính sách mị dân này, thành công dối gạt, đánh lừa được một bộ phận cư dân, đặc biệt các dân tộc ít người.

Tuy nhiên, sau khi thua trận, Trung Quốc không còn nhu cầu mị dân nữa, thì họ không còn dùng "đạo quân thứ 5" để lung lạc nhân tâm, trấn an dân chúng nữa mà họ cay cú, cáu tiết, chuyển sang phá hoại toàn bộ, trên đường về nước họ đã thực hiện nhiều hành động giết dân làng, đốt phá, cướp đoạt gia súc, vô kỷ luật, không khác gì một đám sơn tặc, mã tặc, quân phỉ, quân phiệt.

Ngoài việc cướp bóc vô kỷ luật thì Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã phá hủy các cơ sở hạ tầng, các công trình xây dựng một cách có hệ thống, với mục đích đánh vào nền kinh tế đang lao đao, khủng hoảng của Việt Nam. Hầu hết các thị xã thị trấn mà Trung Quốc chiếm được đều bị phá hủy một cách có hệ thống. Tại thị xã Cao Bằng, quân Trung Quốc dùng thuốc nổ phá sập bất cứ công trình gì từ công sở đến bưu điện, từ bệnh viện đến trường học, từ chợ đến cầu.

Tại Đồng Đăng, quân lính Trung Quốc hiện rõ nguyên hình là một bọn phỉ quân, lưu manh, côn đồ, cướp cạn, khi họ lấy đi tất cả những gì có thể mang theo, từ xe đạp cho đến thanh ray tàu hỏa, những gì không mang được đều bị đập phá theo tư tưởng "ăn không được thì đạp đổ, phá cho hôi". Tại thị xã Cam Đường trên bờ sông Hồng, cách biên giới khoảng 10km, ngoài việc phá hủy thị xã, quân Trung Quốc còn cho đốt cả mỏ apatit, cướp tài nguyên không được thì phá tài nguyên.

Giáo sư sử học O'Dowd tổng kết là chính sách mị dân của quân đội Trung Quốc và "đạo quân thứ 5" của họ đã không thành công đối với quân và dân Việt Nam. Ông lý giải rằng "người Việt Nam rất yêu nước, thấm nhuần tư tưởng chính trị, giỏi chịu đựng, không dễ bị lung lạc,..." Ngoài ra, những hành động tàn phá, giết chóc dân thường, cũng như ngược đãi tù binh của quân Trung Quốc đã gây hại cho nỗ lực mị dân của họ. Những hoạt động này một phần là do binh lính Trung Quốc sang Việt Nam bị sốc vì sự khốc liệt, sức kháng cự của quân đội Việt Nam cũng như sự bất hợp tác, xa lánh, chống đối của dân bản xứ, một phần nằm trong các phá hoại có kế hoạch và tổ chức, ví dụ như tại thị xã Lạng Sơn. Hoạt động lôi kéo người thiểu số tại biên giới của Trung Quốc cũng không đạt được kết quả mong đợi. Khi quân Trung Quốc từ quân khu Vân Nam rút về nước, tất cả những điệp viên và quân du kích người thiểu số, các nhóm "đạo quân thứ 5" mà họ xây dựng được đều bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ và xử tử, trừ khử hoàn toàn.

Chiến tranh tâm lý của Trung Quốc với các lực lượng phòng thủ của Việt Nam cũng thất bại thảm hại. Trong suốt cuộc chiến, tất cả các đơn vị của Việt Nam đều đánh trả quyết liệt quân Trung Quốc xâm lược. Quân Trung Quốc cuối cùng cũng hiểu rằng ngoài việc sử dụng sức mạnh quân sự thuần túy, họ không có khả năng giành thắng lợi trong chiến tranh tuyên truyền chính trị.

Phản ứng quốc tế trong cuộc chiến

Ngay trong khi Trung Quốc bắt đầu xâm lăng Việt Nam, Hoa Kỳ tuyên bố rằng ta đây "trung lập", kêu gọi chung chung, phát biểu nước đôi, ba phải, áp dụng tiêu chuẩn kép, chơi trò hai mặt. Họ thường xuyên kêu gào về "sự rút quân lập tức của Việt Nam khỏi Campuchia và Trung Quốc khỏi Việt Nam", ngụ ý ám chỉ rằng "việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam là sự tiếp nối của việc Việt Nam xâm lược Campuchia", họ đánh tráo khái niệm, đánh đồng bản chất 2 cuộc chiến tranh, vàng thau lẫn lộn, xuyên tạc bóp méo.

Theo giáo sư sử học Nayan Chanda trong sách "Brother Enemy, The War after the War", NXB Harcourt Brace Jovanovich xuất bản năm 1986 và nhiều trí thức, chuyên gia, nhà nghiên cứu khác thì Hoa Kỳ chính là quốc gia duy nhất trên thế giới gần như ủng hộ công khai cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc; trái với lời lên án việc Việt Nam tiến đánh Khmer Đỏ là "một mối đe dọa cho hòa bình và ổn định", tuyên bố của Mỹ về cuộc xâm lăng của Trung Quốc có hàm ý bào chữa rằng "việc Trung Quốc tấn công Việt Nam là kết quả của việc Việt Nam xâm lược Campuchia", "Việt Nam ráng chịu", "Việt Nam gieo gió gặt bão". Ngoài Hoa Kỳ thì đa số các quốc gia trên thế giới đều phản đối mạnh mẽ hành động thô bạo của Trung Quốc, sự cô lập này đã ảnh hưởng khá lớn tới chính sách ngoại giao bước đầu mở cửa của Bắc Kinh khi đó.


Đặng và Carter

Ngày 18 tháng 2 năm 1979, Liên Xô viện dẫn hiệp định ký với Việt Nam, kêu gọi Trung Quốc "ngừng trước khi quá muộn" và yêu cầu Trung Quốc rút quân lập tức và toàn bộ. Trong thời gian xảy ra cuộc chiến, Liên Xô đã lên án cuộc tấn công của Trung Quốc là "hành động man rợ bất chấp đạo lý của kẻ cướp", đòi Trung Quốc lập tức chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược này, và cảnh báo Trung Quốc về lòng trung thành của Liên Xô đối với hiệp ước quân sự Xô - Việt.

Ngoài những tuyên bố mạnh mẽ và đanh thép, Liên Xô không có hành động trợ giúp quân sự nào đáng nói, mà chỉ hỗ trợ vận chuyển bằng hàng không và triển khai hải quân ngoài bờ biển Việt Nam, họ nhu nhược, e ngại, sợ “mất cầu”, sợ đổ vỡ quan hệ vốn đã căng thẳng với Trung Quốc.

Liên Xô cũng cảnh báo Trung Quốc về việc đặt các lực lượng vũ trang Liên Xô ở Siberia vào tình trạng báo động đồng thời cung cấp cho Việt Nam một số thông tin quân sự thu được từ vệ tinh do thám. Bản thân Việt Nam cũng từ chối sự tham gia của các phi công Liên Xô vào các trận đánh.

Cuba cảnh báo Trung Quốc là nước này sẽ hỗ trợ Việt Nam, kể cả việc đưa quân đến nếu cần. Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã nói câu nổi tiếng: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!" Sau khi biết tin Trung Quốc rút quân, nhật báo Pravda của Liên Xô cũng đưa ra biện luận rằng: Liên Xô hiểu được dã tâm của Bắc Kinh vì vậy đã không đáp lại những khiêu khích quân sự của Trung Quốc với mục đích duy nhất là làm leo thang căng thẳng giữa Liên Xô và Hoa Kỳ.

Tại Liên Hiệp Quốc, tranh cãi kịch liệt xảy ra xung quanh vấn đề an ninh Đông Nam Á. Hai sự kiện Việt Nam tiến vào Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và Trung Quốc đánh vào Việt Nam cùng được đưa ra bàn luận. Hội đồng Bảo An LHQ bị chia rẽ sâu sắc sau các cuộc họp vào các ngày cuối tháng 2. Mỹ thì vẫn hùa theo Bắc Kinh nhai đi nhai lại một điệp khúc: Yêu cầu Việt Nam ngưng ngay lập tức hành động xâm lược Campuchia và rút quân toàn bộ và vô điều kiện ra khỏi Campuchia.

Ông Lê Duẩn khi trả lời phỏng vấn trong họp báo quốc tế đã phát biểu đanh thép, hùng hồn: "Tình hình ở Campuchia là không thể đảo ngược!" Đáp trả lại đòi hỏi vô lý của Hoa Kỳ, Bộ ngoại giao Việt Nam cũng tuyên bố thẳng: Nếu muốn Việt Nam rút quân khỏi Campuchia thì tất cả các lực lượng quân sự nước ngoài trong khu vực đều phải rút quân về nước, trong đó có quân đội Trung Quốc, Hạm Đội 7 và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á, không làm được thì đừng áp đặt Việt Nam phải đơn phương rút quân một mình. Nếu rút thì cùng nhau rút hết.

Liên Xô thì đứng về phía đồng minh Việt Nam, tuyên bố không ủng hộ bất cứ nghị quyết nào mà không lên án Trung Quốc, và kêu gọi Trung Quốc rút quân. Ngày 23 tháng 2 năm 1979, Liên Xô cùng Tiệp Khắc đưa dự thảo nghị quyết trong đó lên án Trung Quốc xâm lược, đòi Trung Quốc rút quân và bồi thường chiến tranh, và vận động cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì chỉ trích Liên Xô "khuyến khích Việt Nam tấn công Trung Quốc và xâm lược Campuchia". Ngày 24 tháng 2, Trung Quốc đưa dự thảo nghị quyết đòi Việt Nam "lập tức rút quân hoàn toàn khỏi Campuchia", Mỹ là nước duy nhất ủng hộ nghị quyết này. Cuối cùng, Liên Hiệp Quốc không đi đến được một nghị quyết nào.

Trong lúc cuộc chiến còn đang giằng co, thì Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ bất chợt đem một số chiến hạm chở những Đội đặc nhiệm tiến vào Biển Đông để phô trương thanh thế và muốn gián tiếp tiếp ứng cho Trung Quốc bằng cách "xù lông" uy hiếp, gây sức ép quân sự thêm cho VN ở phía Nam, và dùng kế nghi binh khiến VN hoang mang, lo lắng sợ Mỹ quay lại, muốn VN lo ngại không dám điều quân từ miền Nam ra miền Bắc.

Đối với Trung Quốc thì Hoa Kỳ tỏ ra hành động này là "giúp đỡ" gián tiếp cho Trung Quốc, làm theo sự yêu cầu trợ giúp, hậu thuẫn của Trung Quốc, nhưng bên trong thực chất Hoa Kỳ cũng hy vọng nếu như Trung Quốc thắng thì họ sẽ nhảy vào chia chác / tranh giành lợi ích với Trung Quốc, nhưng do hải quân Liên Xô đã triển khai, nhiều tàu chiến Liên Xô, được sự cho phép của Việt Nam, đã tích cực hoạt động ngăn chặn tàu Mỹ ở Biển Đông, hạn chế phần nào hoạt động của tàu chiến Mỹ. Sau đó do sợ leo thang căng thẳng, xung đột với đối thủ Chiến tranh Lạnh Liên Xô, lại thấy tình hình chiến sự ở miền Bắc VN bất lợi cho Trung Quốc, nên Mỹ lảng vảng khoảng 2 tuần rồi đành phải rút đi.

Sự kiện này cho thấy sự giúp đỡ có hiệu quả trong việc giúp Việt Nam bảo vệ Biển Đông của hải quân Liên Xô trong cuộc chiến. Và cho thấy mặc dù Mỹ - Trung cùng chung một chiến tuyến, nhưng hai bên không thật lòng với nhau, mà mỗi bên đều có những dụng ý riêng, toan tính riêng, mưu mô khác nhau, và đều vì cái lợi của chính mình.

Kết quả

Tuy Việt Nam đã chiến thắng, gây tổn hại nặng nề cho quân đội Trung Quốc, thành công đẩy lui giặc xâm lược, và Trung Quốc đã thua to về quân sự, chính trị, chiến thuật, chiến lược, nhưng trong cuộc chiến Việt Nam cũng chịu thiệt hại nặng nề về người và của. Cuộc xâm lấn của Trung Quốc đã để lại nhiều tác hại lớn cho kinh tế và xã hội Việt Nam. Ngoài những thương vong về con người, thiệt hại cụ thể về cơ sở vật chất hạ tầng ở 6 tỉnh biên giới bị phá hủy do trận chiến, Việt Nam còn phải gánh chịu nhiều khó khăn, tổn thất, do thái độ và chính sách thù nghịch, thù hằn, vây hãm mà các thế lực thù địch ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và các đồng minh, đàn em, chư hầu của họ gây ra trên các mặt trận quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa...

Theo tướng Ngũ Tu Quyền, phó tổng tư lệnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thừa nhận, thì Trung Quốc có hơn 2 vạn chiến binh tử trận trên chiến trường Bắc Việt Nam. Theo nhà sử học Gilles Férier thì có khoảng 25.000 lính Trung Quốc thiệt mạng và gần 500 xe bọc thép hoặc pháo bị phá hủy, con số này phía Việt Nam cũng là gần tương tự nhưng thấp hơn một chút. Ông Russell D. Howard thì cho rằng quân Trung Quốc thương vong 6 vạn người, trong đó số chết là 26.000. Một số nguồn khác cũng đồng ý với con số thương vong ít nhất khoảng 50.000 của phía Trung Quốc. Nguồn của sử gia Mỹ gốc Hoa King C. Chen cho rằng riêng tại các bệnh viện lớn ở Quảng Tây đã có ít nhất 30.000 thương binh Trung Quốc. Tháng 4 năm 1979, Tạp chí Quân đội Nhân dân của Việt Nam ước lượng tổng thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người. Việt Nam có hàng nghìn dân thường chết và bị thương. Theo Tạp chí Time thì có khoảng dưới 10.000 lính Việt Nam thiệt mạng (con số này Trung Quốc đưa lên thành "20.000"). Trung Quốc bắt được khoảng 1.600 tù binh trong tổng số hơn 5 vạn quân Việt Nam tham chiến tại mặt trận Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Theo nghiên cứu chính thức của giới sử học Việt Nam và Quân đội Nhân dân, kết quả chiến đấu của quân ta như sau:

Mặt trận Lạng Sơn: Diệt 19.000 tên giặc, phá hủy 76 xe tăng, thiết giáp và 52 xe quân sự, 95 khẩu pháo-cối và giàn phóng hoả tiễn, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 4 tiểu đoàn (tương đồng nhưng hơi khác biệt so với ký sự của Sư đoàn Sao Vàng).

Mặt trận Cao Bằng: Diệt 18.000 lính giặc, phá hủy 134 xe tăng, thiết giáp và 23 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn.

Mặt trận Hoàng Liên Sơn (Lào Cai): Diệt 11.500 quân giặc, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp và 189 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn.

Mặt trận Quảng Ninh, Lai Châu và Hà Tuyên: Diệt 14.000 tên địch, phá hủy 4 xe tăng, thiết giáp, 6 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn.

Cuộc chiến cũng đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho kinh tế Việt Nam; các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000 ha hoa màu bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống. Về phía Trung Hoa, cuộc chiến ngắn ngày đã tiêu tốn của nước này khoảng 1,3 tỷ USD và làm ảnh hưởng tiêu cực nặng nề đến quá trình cải cách kinh tế.

Về lâu dài, nó mở đầu cho hơn 10 năm căng thẳng trong quan hệ và xung đột vũ trang dọc biên giới giữa hai quốc gia, buộc Việt Nam phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ dọc biên giới, gây hậu quả mất cân đối, mất cân bằng, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng biên giới bị ảnh hưởng tiêu cực. Sau chiến bại, Đặng Tiểu Bình và chính phủ Trung Quốc liền cấp tốc hiện đại hóa quân đội.

Đánh giá

Đặng Tiểu Bình thú nhận đã thất bại về quân sự và chiến thuật, nhưng cũng cố chống chế rằng "chúng tôi đã thắng về chính trị và chiến lược". Trần Vân, phó Thủ tướng, 1 trong 5 nhân vật quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Chu Đức cũng thừa nhận rằng đánh Việt Nam không được cái gì, dù có cố gắng thì cũng không chịu được quá 6 tháng. Ông ta không dám trơ tráo vỗ ngực "chiến thắng" như Đặng Tiểu Bình và chỉ nói rằng vì lý do kinh tế, không nên lặp lại một cuộc chiến "bất phân thắng bại", "không có kết quả" như vậy. Như vậy dù không trơ trẽn như Đặng Tiểu Bình nhưng ông ta vẫn không dám nói thẳng ra sự thật là Trung Quốc đã thua.

Theo đánh giá của nhà sử học người Mỹ gốc Hoa King C. Chen, Trung Quốc chỉ đạt được vòng quanh 50% các mục tiêu của mình. Ngoài ra Trung Quốc đã không đạt được kết quả như các mục tiêu họ công bố: Họ không tiêu diệt được sư đoàn nào của Việt Nam. Không chấm dứt được xung đột vũ trang ở biên giới Việt – Trung. Không buộc được Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Không làm cho chính phủ Việt Nam sửa đổi chính sách đối với Hoa kiều, chính sách đối với Campuchia, chính sách đối với Trung Quốc, với Liên Xô, với Hoa Kỳ v.v., không buộc được Việt Nam thay đổi bất kỳ chính sách nào, từ nội trị tới đối ngoại, từ chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao đến văn hóa. Không làm cho Việt Nam sợ mà "xuống nước", nhường nhịn, hay lùi 1 bước nào trước Trung Quốc, Khmer Đỏ, không làm cho VN thay đổi thái độ và chính sách với Liên Xô, Hoa Kỳ và các nước. Không làm VN bỏ chính sách và thái độ chống đối, thù nghịch đối với Trung Quốc - Khmer Đỏ.

Tóm lại, Trung Quốc không gây được một chút ảnh hưởng, tác động, thay đổi nào lên chính phủ Việt Nam theo ý muốn của họ, Việt Nam vẫn kiên cường, kiên định, nhất quán trước sau như một với các chính sách, thái độ, phong cách của mình với các vấn đề nội trị, với các quốc gia khác, và đồng thời càng gia tăng sự căm thù đối với Trung Quốc và đồng minh, xem Trung Quốc là "kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm" nhất, và tăng cường tuyên truyền chống Trung Quốc trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong nước và quốc tế, và càng ở "lỳ" Campuchia, cho thêm quân vào Campuchia, và càng đóng giữ lâu hơn. Trung Quốc càng hung hăng thì Việt Nam càng xa lánh họ hơn và càng tăng cường làm trái, làm ngược lại với tất cả mọi yêu cầu, đòi hỏi, đề nghị, quan điểm, chính kiến và lợi ích của họ. Ngang nhiên "thách thức" Trung Quốc và tựa hồ "chọc giận" họ, làm Đặng Tiểu Bình và đồng bọn rất cay cú, điên tiết.

Về quân sự, giáo sư Edward C. O'Dowd đánh giá rằng quân Trung Quốc rất thiện nghệ khi thao luyện trong quân trường ở miền Nam Trung Hoa, nhưng khi vào thực chiến trên chiến trường miền Bắc Việt Nam thì họ lại thể hiện một phong độ chiến đấu tồi tệ. Tại Lạng Sơn, 2 Quân đoàn Trung Quốc đã bị một trung đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam cầm chân trong 1 tuần, một Quân đoàn khác cần 10 ngày để tiến vào Lào Cai và Cam Đường - hai đô thị cách biên giới không đến 15 km. Trung Quốc chiếm Cao Bằng vất vả đến mức cần ít nhất 2 Quân đoàn để tiếp tục tấn công một thị xã mà Trung Quốc tuyên bố đã chiếm được. Tại Quảng Ninh, một trung đội QĐND Việt Nam đã cầm chân 5 tiếng đồng hồ một trung đoàn Trung Quốc đang trên đường chiếm núi Cao Ba Lanh giáp biên giới, gây thương vong cho 360 trong quân số 2800 của trung đoàn này. Những tổn thất nhân mạng như vậy lặp đi lặp lại trên toàn mặt trận và đem lại thương vong và tổn thất nặng nề cho Trung Quốc.

Quân Trung Quốc đã không sử dụng được số quân đông vượt trội đối thủ một cách hiệu quả và do đó không thể đạt được tốc độ hành binh như mong muốn của chiến lược "tốc chiến tốc quyết". Đây là hậu quả của sự lạc hậu về chiến thuật tác chiến của quân đội Trung Quốc vốn gần như không được cải thiện kể từ sau chiến thuật biển người (nhân hải) trong chiến tranh Trung - Nhật, nội chiến Trung Quốc, và chiến tranh Triều Tiên. Thất bại của quân đội Trung Quốc đã buộc Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chú tâm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội, đặt việc hiện đại hóa quân đội làm trọng tâm hàng đầu, ưu tiên quân sự, quốc phòng.

Trên phương diện quan hệ quốc tế, cuộc chiến Việt - Trung cho thấy rằng Trung Quốc, với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, sẵn sàng can thiệp quân sự vào Việt Nam, một quốc gia theo XHCN, từng là đồng minh trong nhiều năm, kết quả chiến tranh cũng cho thấy Việt Nam đủ sức chống lại sự tiến công đó mà không phải điều động quân chủ lực từ biên giới Tây Nam và miền Nam Việt Nam. Những sự kiện từ cuộc chiến cũng cho thấy mối quan hệ đan xen phức tạp giữa Liên Xô - Việt Nam - Trung Quốc - Hoa Kỳ, đồng thời cho thấy Liên Xô cũng không sẵn sàng dùng quân đội giúp Việt Nam chống xâm lược, mà chỉ tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự một cách có hạn và có hoàn lại. Sau này Việt Nam vẫn phải trả nợ dần và được Liên bang Nga xóa nợ sớm. Những điều này đã khiến nhiều người Việt Nam sau đó nghi ngờ về đồng minh Liên Xô và việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Liên bang Xô Viết.

Kết quả cuộc chiến cũng cho thấy Trung Quốc đã hoàn toàn bất lực, bó tay, thúc thủ trong việc hỗ trợ đệ tử Khmer Đỏ và thất bại trong việc điều chỉnh quan hệ ngoại giao để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù không có mục tiêu chiến thuật, chiến lược, quân sự, chính trị nào đạt được, nhưng đến nay những lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc vẫn cố chấp, bảo thủ, vẫn chưa thay đổi quan điểm, họ thừa nhận Trung Quốc đã thất bại về quân sự nhưng lại cố bao biện rằng "đã đạt được một số thành công về chiến lược, và vì vậy chúng tôi chiến thắng". Cuộc xâm lược này cũng là một thất bại ngoại giao và thất bại uy tín của Trung Quốc không những trên quốc tế, không những với đệ tử Pol Pot, mà còn với khu vực, vô tình họ đã tỏa ra một "sát khí" đầy đe dọa, phô bày ác tính, vô hình trung cho các nước trong khu vực, các láng giềng hàng xóm chung quanh thấy rằng, đấy, "thiên triều", "Bắc triều" sẵn sàng dùng bạo lực và đi xâm lược, bành trướng, giết chóc nếu vị thế và uy lực của mình bị thách thức. Vô ý tạo ra một nhu cầu đoàn kết giữa các nước Đông Nam Á, hình thành một động lực cho các quốc gia trong khu vực cùng nhau bắt tay đề phòng hiểm họa Trung Quốc, và khi cần thiết thì sẽ chống lại họ.

Trong cuộc chiến này, Trung Quốc cũng thể hiện một tư thế thấp kém qua phong cách tiến hành chiến tranh mang tính chất "cắn trộm", "đánh lén". Trung Quốc và cả thế giới đều biết quân lực của Việt Nam đều tập trung ở miền Nam Việt Nam và chiến trường Campuchia, và TQ đã thừa cơ hội đó đã bất ngờ xua quân tràn sang tấn công Việt Nam. Họ phát ngôn nghe rất oai phong lẫm liệt nhưng khi quân đội chính quy Việt Nam ào ào kéo ra Bắc thì họ lập tức lui nhanh. Đánh xong rồi chạy.

Thật ra họ đánh giá thấp khả năng tự vệ, đánh trả của các lực lượng tân binh, quân đội địa phương, và dân quân - tự vệ của Việt Nam, họ cho rằng trước khi đại quân Việt Nam đến nơi thì họ đã dễ dàng vượt qua các hàng phòng ngự VN với thương vong không đáng kể, và đã đánh tới Hà Nội hoặc chiếm xong thủ đô của Việt Nam, biến thành một sự đã rồi. Nhưng thực tế lại khác, "thiên bất dung gian", TQ không ngờ sinh lực của họ bị thiệt hại nặng nề đến vậy chỉ với những lực lượng kể trên, và hầu như không có một cơ hội nào kéo quân đến được Hà Nội chứ đừng nói là đánh chiếm được. Nên khi quân đội chủ lực VN tới nơi, và các lực lượng khác đang trên đường đi tới, thì họ vội “chuồn êm” vì biết rõ kết quả sẽ như thế nào nếu ngoan cố ở lại. Trung Quốc không thể thắng nổi những tân binh địa phương, bạch đầu quân, nữ du kích, công an xung phong, dân quân, tự vệ thì họ không thể chống được với lực lượng đại quân, tinh binh, các lực lượng chính quy, chủ lực, tinh nhuệ, nhiều kinh nghiệm chiến đấu, nhiều chiến công của quân đội VN.

Trong một bài viết hiếm hoi trên báo chí Trung Quốc về cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979, bài nghiên cứu “Trong cuộc chiến năm 1979: Vì sao không chia cắt Việt Nam, vì sao thương vong khi rút về lớn hơn khi tấn công?” trên báo điện tử China.com do ông Dương Danh Dy dịch thuật, họ đã thừa nhận: “Lâu nay chúng ta luôn tuyên truyền rằng chúng ta ‘chiến thắng‘, nhưng cùng với thời gian, những văn kiện của ta, những tư liệu của Việt Nam và quốc tế cho thấy cuộc chiến này không lạc quan như tuyên truyền trước đây, trong đó có nhiều bài học nặng nề đau đớn khiến chúng ta không thể không phản tỉnh một cách sâu sắc”.

Sau khi xem lại, đánh giá lại và thừa nhận kết quả cuộc chiến, bài viết tiếp tục thừa nhận bản chất của cuộc chiến: “Ba đại kỷ luật, tám điều chú ý mà quân đội ta giữ nghiêm đã phát huy tác dụng trong cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật và cuộc Quốc-Cộng nội chiến; thế nhưng khi chúng ta vào Việt Nam đánh họ mà vẫn thực hiện 3 đại kỷ luật, 8 điều chú ý là tự trói chân tay mình lại, hy vọng dùng những kỷ luật đó để tranh thủ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân Việt Nam chống đất nước của họ thì chẳng khác gì đàn gẩy tai trâu, tự chuốc nhục nhã.”, “Nhân dân Việt Nam không phải là công dân Trung Quốc, làm sao họ có thể gần gũi quân đội nước ngoài đánh vào nước họ?”, “Chiến tranh là chiến tranh, nhất là chiến tranh giữa các quốc gia, anh không thể hy vọng nhân dân nước khác đánh trống khua chiêng hoan nghênh anh xâm chiếm người ta, đó chẳng qua chỉ là trò bịt tai trộm chuông, dối mình dối người.”

Hậu chiến

Sau khi bị Việt Nam đánh bại, Trung Quốc tiếp tục uy hiếp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, can thiệp vào công việc nội bộ của nước Cộng hòa Campuchia, che giấu bộ mặt đại bá quyền của mình bằng cách đặt điều, vu khống Việt Nam là "tiểu bá". Theo văn kiện “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua” do NXB Sự Thật phát hành năm 1979, thì ngay sau cuộc chiến Trung Quốc đã cùng với Hoa Kỳ lợi dụng chiêu bài "nhân quyền" để bôi đen Việt Nam trên trường quốc tế, với mục tiêu lâu dài lúc đó là thôn tính ba nước Đông Dương, dùng Đông Dương làm bàn đạp bành trướng xuống Đông Nam Á.

Trong suốt cuộc chiến, nhất là sau khi thua chạy, Trung Quốc luôn tuyên bố họ "không tham vọng dù chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam" để đỡ mất thể diện, đỡ mặc cảm bại trận, một dạng của tâm lý AQ. Trên thực tế, Trung Quốc xâm lược với một hình thức tương tự Pháp - Mỹ trong thời đại mới, xâm lược kiểu thực dân mới chứ không phải xâm lược để sát nhập đất đai vào trong lãnh thổ Trung Quốc như phong kiến phương Bắc, họ tuyên bố như vậy trong suốt cuộc chiến là để che giấu bản chất xâm lược phi nghĩa, lừa dối dư luận Trung Quốc và quốc tế, làm nhẹ đi các lên án, chỉ trích từ các nước yêu hòa bình, công lý và nhân dân tiến bộ trên thế giới, và gây hoang mang cho quân đội Việt Nam (không biết rõ mục tiêu chiến lược của nó, nó muốn gì, sẽ làm gì), gây giảm sút tinh thần đề kháng và cường độ chống trả của các chiến sĩ Việt Nam (vì chủ quan cả tin rằng chúng đánh một chút rồi lui ngay, chúng "không muốn chiếm miền Bắc", "không muốn chiếm nước ta").

Tuy nhiên, sau khi thua trận, thất bại không thể dựng lên được ngụy quyền Hoàng Văn Hoan, không lật đổ được "bè lũ Lê Duẩn", không có cơ hội sử dụng những con bài chính trị, quân đội Trung Quốc liền gian trá, lật lọng vẫn giữ lấy một số địa điểm, đất đai ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Tại một số nơi như khu vực quanh Ải Nam Quan gần Lạng Sơn, quân Trung Quốc vẫn "cù nhầy" cố giữ một số lãnh thổ. Tại các nơi khác, quân Trung Quốc chiếm giữ các vị trí chiến lược quân sự làm bàn đạp để từ đó có thể tiến đánh Việt Nam. Vì vậy Việt Nam sau đó phải tiến hành một loạt chiến dịch quân sự nhằm giải phóng các khu vực đó. Những sự kiện này được ghi nhận trong các tài liệu của Mỹ, Pháp, Úc như giáo sư Carlyle A. Thayer trong tài liệu "Security Issues in Southeast Asia: The Third Indochina War, Conference on Security and Arms Control in the North Pacific", Đại học Quốc gia Úc Đại Lợi, Canberra, 1987, François Joyaux trong sách "La Tentation impériale - Politique extérieure de la Chine depuis 1949", Paris: Imprimerie nationale xuất bản năm 1994, hay Edward C. O'Dowd trong sách "Chinese Military Strategy in the Third Indochina War", NXB Rutledge xuất bản năm 2007.

Tới đầu những năm 1990, cùng với việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia làm Trung Quốc lấy lại chút thể diện và Liên Xô sụp đổ làm TQ "lạnh gáy" trong lúc phong trào cộng sản quốc tế bị suy thoái, và cũng vì nhu cầu hòa bình, ổn định trong khu vực, gác lại quá khứ, bắt tay nhau hợp tác, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng hai nước, hướng tới tương lai v.v., nên quan hệ giữa hai nước dần hồi phục trở lại bình thường.

Sau khi thua đau, Trung Quốc quyết tâm bắt tay vào thực hiện cải cách và hiện đại hóa quân đội cho đến ngày nay. Có thể nói chính Việt Nam đã dạy cho Đặng Tiểu Bình và Trung Quốc một bài học, chứ Trung Quốc không "dạy" được Việt Nam điều nào cả, không buộc VN phải xuống 1 nước nào, lui 1 bước nào, phải nhượng bộ 1 điều gì, phải làm 1 việc gì theo ý muốn Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc phải tăng từ 15% năm 1978 lên 18% năm 1979 trong một bối cảnh kinh tế chưa thấy gì sáng lạn.

Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận thì quan hệ thù địch giữa 2 quốc gia đã làm Việt Nam đã phải trả một cái giá rất đắt. Việc Trung Quốc dùng đại quân duy trì áp lực quân sự nặng nề và đầy hiểm họa tại vùng biên giới trong suốt 10 năm sau đó buộc Việt Nam cũng phải duy trì đại quân, bao gồm các sư đoàn thiện chiến, tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chiến đấu nhất, từng thân chinh bách chiến trên khắp chiến trường chống Mỹ ở biên giới và miền Bắc. Cùng với việc bị vướng víu ở Campuchia đối với tàn dư, tàn quân Pol Pot, xung đột quân sự biên giới với Thái Lan v.v., cộng với sự tuyên truyền chống Việt Nam dai dẳng và tinh vi của Mỹ - Trung, khiến Việt Nam bị cô lập trên trường quốc tế.

Bao vây kinh tế, cô lập chính trị, cấm vận quân sự, thậm chí cấm vận nhân đạo, nhiều tổ chức nhân đạo, từ thiện quốc tế thời đó muốn viện trợ nhân đạo cho Việt Nam đều bị Mỹ - Trung tìm cách ngăn cản, áp lực, gây sức ép, nhiều đoàn tàu chở thực phẩm, gạo, nước ngọt, gia súc tới VN, có khi chỉ để giúp đỡ người dân miền Trung VN thường xuyên căng mình chịu thiên tai, lũ lụt, cũng bị hải quân Mỹ, Thủy quân Lục chiến Mỹ, Hạm đội 7 ngăn lại và bắt phải quay về, và đe dọa xa gần rằng sẽ "không bảo đảm an toàn cho quý vị nếu gặp hải tặc". Nhiều thông tin thời đó cho biết Mỹ - Trung còn giả dạng cướp biển hoặc báo tin, chỉ điểm, đứng sau, ủng hộ cho bọn cướp biển, bọn hải tặc Thái Lan đón đường, trấn lột, cướp bóc những đoàn tàu viện trợ nhân đạo này, với mục đích duy nhất là bao vây, cô lập, cấm vận, và dồn Việt Nam vào chỗ sụp đổ.

Nền kinh tế Việt Nam yếu kém, nhiều người dân phải xếp hàng nhận bo bo ăn thay cơm, bị Hoa Kỳ, Trung Quốc và phương Tây cấm vận, phải căng ra duy trì một lực lượng quân đội lớn ở cả phía Nam và phía Bắc, trong khi vẫn phải trả nợ những viện trợ của Liên Xô cho cuộc chiến chống Pháp, Mỹ. Sau khi Liên Xô tan rã và Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, đến năm 1992 quan hệ giữa hai nước mới được bình thường hóa chính thức.

Sau khi thất bại tại Việt Nam, các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung Quốc không còn nói gì nhiều về cuộc chiến này, cuộc chiến tranh này bị bưng bít hoàn toàn trong tất cả sách giáo khoa lịch sử ở Trung Quốc. Trong khi sách giáo khoa phổ cập trung học lớp 12 ở Việt Nam ngày nay vẫn ghi nhận rõ ràng: Quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh đã tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, và bộ đội, du kích ta đã chiến đấu anh dũng đánh đuổi chúng đi, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của chúng, đánh bại chủ nghĩa bá quyền nước lớn của Bắc Kinh.

Tại Trung Quốc, theo giáo sư Howard French trên báo New York Times số ngày 1 tháng 3 năm 2005, các phương tiện truyền thông Đại Lục, Hồng Kông, Ma Cao gần như lãng quên nó, các tuyển tập bài hát không còn dám in các ca khúc nói về cuộc chiến, sách nghiên cứu viết về cuộc chiến bị từ chối không dám xuất bản, đa số cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến buồn không muốn nhắc đến nó, không còn muốn nói về nỗi nhục bại trận này.

Sau khi rút quân về nước 1 tháng, theo bản dịch của ông Dương Danh Dy gởi tới BBC bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình trong hội nghị nội bộ ngày 16/3/1979, Đặng Tiểu Bình đã phẫn nộ nói với các cộng sự và các lãnh đạo quân đội: "Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là 5 đánh 1, 6 đánh 1. Chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí 6 đánh 1, 7 đánh 1." và "Thương vong của chúng ta là 4 lần so với 1. Thần thoại của chúng ta đã bị hủy diệt." Điều này do chính người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thời đó đã thú nhận, càng cho thấy truyền thống "lấy ít địch nhiều", "lấy yếu thắng mạnh", “lấy thế thắng lực” của quân dân Việt Nam, nối tiếp từ những gương xưa trong các cuộc chiến chống Bắc xâm, chống ngoại xâm.

Tại Việt Nam, những nhạc phẩm, tác phẩm, sách báo, bài viết, bài nói, hồ sơ, tài liệu về cuộc chiến đó tuy không tái xuất bản nhưng vẫn được lưu hành ngoài thị trường chứ không bị thu hồi như ở Trung Quốc. Những bài hát sáng tác trong thời kỳ đó vẫn lưu hành. Sách "Sự thật quan hệ Việt Nam - Trung Quốc 30 năm qua" của NXB Sự thật, xuất bản năm 1979, hay sách “Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam” của Wilfred Burchett, NXB Thông tin Lý luận và nhiều sách cũ, truyện cũ, tiểu thuyết, truyện tranh, tuyển tập truyện ngắn, sử liệu, tư liệu v.v. có nội dung tương tự đến nay vẫn có lưu trữ trong một số thư viện nhà nước, bày bán trong một số nhà sách chính thức, hiệu sách hợp pháp.

Tuy nhiên, Việt Nam ít nhắc lại cuộc chiến 1 tháng này, hay nghiên cứu, hội thảo chuyên sâu, không tái bản những tác phẩm, nhạc phẩm, văn hóa phẩm về nó một phần là vì Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận là "không tuyên truyền chống nhau", một trong những điều kiện để bình thường hóa quan hệ hai nước năm 1992, phần khác là vì cuộc chiến chỉ kéo dài 1 tháng, không có nhiều diễn biến, sự kiện, hay hội chứng từ nó để nói như cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm và chống Mỹ 21 năm. Và chủ yếu là, theo giải thích nguyên văn của ông Dương Danh Dy, cựu Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, thì Việt Nam: "Không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên". Một số hồ sơ, tài liệu, sử liệu về cuộc chiến này vì sự "lấy đại cuộc làm trọng" mà tạm cất vào kho, những nghiên cứu chuyên sâu, cao cấp về cuộc chiến này tạm gác lại, nhưng sau này khi hữu sự nó sẽ lại được bung ra.

Trong buổi Thông cáo báo chí năm 2009, khi được hỏi về cuộc chiến từ 30 năm trước, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói khỏa lấp rằng từ nhiều năm trước lãnh đạo hai nước đã "thỏa thuận khép lại quá khứ và mở ra tương lai" và từ chối bình luận gì về nó, rõ ràng, đây là một nỗi đau khó quên, một vết nhơ, một vết thương khó lành, một quốc nhục khó phai, khó nuốt, khó tiêu hóa trong lịch sử Trung Quốc và CHND Trung Hoa.

Cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, nhà cầm quyền Trung Quốc giương cao chiêu bài “nhân quyền” của tổng thống Mỹ Jimmy Carter, lợi dụng vấn đề người Việt Nam xuất ngoại làm một vũ khí mới để chống Việt Nam. Những người Việt Nam đi ra nước ngoài một phần là những người giàu có và những sĩ quan trước đây sống nhờ Mỹ và chế độ bù nhìn Sài Gòn, có "dây mơ rễ má" với Mỹ-ngụy, quyền lợi của họ gắn liền với bộ máy chiến tranh của Mỹ, một phần những người Hoa do Bắc Kinh dụ dỗ, cưỡng bức ra đi; một số là những người trước đây sống trong xã hội tiêu thụ kiểu Mỹ và nay không chịu nổi những khó khăn do cuộc chiến tranh xâm lược 30 năm của Pháp - Mỹ và sự xâm lăng, phá hoại của bọn bành trướng Bắc Kinh và đàn em gây ra, phần lớn là những người không sống nổi trong tình hình xã hội và kinh tế hỗn loạn, nghèo đói thời đó, muốn tìm tới Mỹ và những nước giàu để có một cuộc sống kinh tế tốt hơn.

Thật ra ngay từ tháng 1 năm 1979, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố cho phép những người có nguyện vọng ra nước ngoài để sum họp gia đình hoặc làm ăn sinh sống được xuất cảnh một cách hợp pháp sau khi đã làm đầy đủ các thủ tục cần thiết. Mặt khác, các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam đã cùng cơ quan Cao ủy Liên Hiệp Quốc về vấn đề người tỵ nạn thỏa thuận một chương trình 7 điểm được công bố ngày 30 tháng 5 năm 1979, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho những người nói trên ra đi một cách có trật tự và an toàn, đồng thời làm giảm bớt khó khăn cho các nước Đông Nam Á.

Song Bắc Kinh và Washington đều huy động bộ máy tuyên truyền, truyền thông khổng lồ và mọi phương tiện chính trị, kinh tế, tài chính của họ, lợi dụng khía cạnh nhân đạo của vấn đề, sử dụng mọi thủ đoạn gian dối, xuyên tạc, kích động để bóp méo sự thật về vấn đề những người Việt Nam vượt biên, xuất cảnh, phát động những chiến dịch thông tin quy mô chống Việt Nam.

Vai trò của Mỹ - Trung trong sự kiện thuyền nhân

Việt Nam cũng có những thiếu sót, sai lầm trong thời hậu chiến, về chính sách, về cách làm, về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa v.v., nhưng không nên quên rằng Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược có tính chất hủy diệt chống Việt Nam, Nixon đã nhiều lần hô hào đòi “đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá”. Và sau khi bại trận, họ để lại một đất nước tàn phá, một nền kinh tế tê liệt, với hàng triệu nạn nhân chất độc màu da cam, trên 3 triệu người thất nghiệp, trên một triệu người bị tàn phế. Gần 800.000 trẻ em mồ côi, trên 600.000 gái mại dâm, trên 1 triệu thanh niên nghiện ma túy...

Trung Quốc thì "ném đá xuống giếng", "xát muối vào vết thương", gây ra “nạn kiều”, cưỡng ép, dụ dỗ người Hoa bỏ bê lao động, xây dựng, bỏ lại nhà cửa, ruộng đồng, nhà máy để đi Trung Quốc, dùng những tổ chức của Cục tình báo Hoa Nam để quấy rối về chính trị, đầu cơ, tích trữ, nâng giá hàng, in bạc giả, nhằm phá hoại nền kinh tế của Việt Nam, chồng chất thêm khó khăn cho người dân Việt Nam.

Trong lúc các cơ quan hữu quan của Việt Nam đang cùng Cơ quan Cao ủy LHQ về vấn đề người tỵ nạn, tổ chức việc ra đi có trật tự và an toàn, thì Bắc Kinh cho tay sai trà trộn vào dân tổ chức việc ra đi bất hợp pháp, gọi là "đi chui", móc nối với những cán bộ tha hóa, biến chất, bọn tham nhũng, chia rẽ và gây thù hận giữa người dân và chính quyền, công an, rồi kêu la rằng Việt Nam “xuất cảng nạn dân”, (rất nhiều người / nhóm tổ chức vượt biên trái phép thời đó là người Trung Quốc hoặc gốc Hoa, có người với động cơ phi chính trị, có người với động cơ chính trị) mặc dù chính họ cho hàng ngàn người Trung Quốc hàng ngày sang Hồng Kông để từ đó đi Singapore và các nước Đông Nam Á, và hoàn toàn bỏ rơi, không quan tâm đến số phận hơn 26.000 Hoa kiều tiến bộ, yêu hòa bình đã bị Khmer Đỏ trục xuất khỏi Campuchia. Lúc ấy có những chính phủ, tổ chức phương Tây vì không hiểu sự thật ở Việt Nam, hoặc vì mờ mắt trước thị trường kinh tế đang mở cửa đầy tiềm năng, muốn lấy lòng Trung Quốc để được TQ cho vào buôn bán làm ăn, đã a dua, phụ họa theo chiến dịch kích động và vu cáo của Mỹ - Trung.

Trung Quốc vẫn "liên Mỹ đả Việt", 2 chính phủ tiếp tục "vừa ăn cướp, vừa la làng", 2 kẻ có nhiều "thành tích" chà đạp nhân quyền và luật pháp quốc tế, 1 kẻ xâm lăng bành trướng khu vực, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong "Cách mạng văn hóa", 1 kẻ xâm lược bành trướng toàn cầu, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở VN và nhiều nước khác khắp Á - Phi, gây ra nhiều cuộc thảm sát thường dân, nhiều tội ác chiến tranh, nhiều tội ác diệt chủng chống nhân loại, lại giương cao chiêu bài "nhân quyền", “nhân đạo” để thực hiện mục đích chính trị của họ.

Mục đích của Mỹ là trả thù chính trị, vớt vát chút quốc thể, danh dự nước lớn, rằng đây là kết quả mà “mày” phải chịu khi dám chống “tao”, và cũng để phá hoại VN, một nước đang thân Liên Xô, kẻ thù Chiến tranh lạnh của Mỹ, có ý thức hệ và những lợi ích khác Mỹ. Mục đích của Bắc Kinh là xóa nhòa những tội ác của họ ở Campuchia và trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, che đậy việc họ kích động người Hoa ở Việt Nam ra đi và “xuất cảng” hàng chục vạn người Trung Quốc ra nước ngoài, gây khó khăn cho các nước ASEAN, chia rẽ các nước ASEAN với Việt Nam, đánh lạc hướng về nguy cơ của chủ nghĩa bành trướng nước lớn và chủ nghĩa bá quyền đại dân tộc, chủ nghĩa bá quyền Đại Hán, và vai trò của “đạo quân thứ 5” người Hoa ở châu Á.

Các thế lực đế quốc và bá quyền, chủ yếu là Washington và Bắc Kinh, đã thất bại trong âm mưu biến Hội nghị quốc tế ở Geneve tháng 7, 1979 về vấn đề người Đông Dương đi ra nước ngoài thành một diễn đàn để vu cáo và chửi bới Việt Nam. Những đề nghị của Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam tỏ rõ thái độ xây dựng và hợp tác trong việc giải quyết vấn đề những người di cư, đã được sự đồng tình rộng rãi của đại biểu nhiều quốc gia, và đã góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị là đặt được nền tảng của một giải pháp cho vấn đề như Tổng thư ký LHQ lúc đó đã kết luận. Nhưng thực tế còn nhiều khó khăn và phức tạp do những hoạt động phá hoại của Washington và Bắc Kinh.

Những năm sau chiến tranh, suốt từ giai đoạn 1979 - 1992 trong lúc Bắc Kinh lớn tiếng đe dọa chiến tranh, đòi “chủ quyền” đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thì Mỹ - vốn đang thân Tàu, chống Việt - đã đưa Hạm đội 7 vào hoạt động ngoài khơi Việt Nam không những để khuyến khích những người di tản vượt biên bất hợp pháp, mà còn để phối hợp / giành giật với Bắc Kinh trong những âm mưu / lợi ích của họ ở khu vực Biển Đông và Đông Nam Á.

Những xuyên tạc của bọn phản động tay sai Mỹ

Chiến công đánh lui Trung Quốc xâm lược góp phần củng cố tư cách lãnh đạo của Đảng, khiến cho những tuyên truyền "Việt Cộng là tay sai Tầu Cộng", "Cộng sản Việt Nam bán nước cho thiên triều Bắc phương", "CSVN là đệ tử của quan thầy Chệt đỏ" trở thành buồn cười, trơ trẽn và vô nghĩa. Do đó, lâu nay họ cố ý lờ đi, tránh nói về cuộc chiến này. Tuy nhiên lịch sử thì khó thể tránh né, nên khi buộc phải đề cập tới chủ đề này thì họ thường có những xuyên tạc như sau: "Trung Cộng trừng phạt Việt Cộng", họ xem sự kiện "Tàu Cộng đánh Việt Cộng" là một điều gì đó thích thú để họ hả hê, hả dạ và đứng ngoài cười cợt, chế giễu, lườm nguýt với thái độ rất tiểu nhân. Họ rập khuôn, đồng tình, và nhái theo luận điệu chính thức của Trung Quốc về cuộc chiến, rằng "Trung Cộng thắng Việt Cộng", "Trung Cộng dạy cho VC một bài học nên thân" v.v. Rập khuôn và hót theo luận điệu bao đời nay của vua quan phong kiến Trung Quốc, lần nam chinh, xuất chinh nào thua về cũng đều "chiến thắng", "khải hoàn", hoặc thua nặng thì cũng nói thành "trừng phạt xong nên về", "giặc gian trá, ta tha cho giặc nên rút về".

Họ tự biến mình thành người Tàu, nhìn nhận theo góc độ, quan điểm của Tàu, đem Tàu đặt làm trung tâm, nên thay vì nhìn thấy Việt Nam thắng Trung Quốc, đánh lui hơn 50 vạn quân Trung Quốc, thì họ chỉ thấy "Trung Cộng dạy Việt Cộng bài học", "Trung Cộng trừng phạt VC", "cuộc chiến răng cắn môi chảy máu", "đáng đời Vi Xi", "đáng kiếp cộng sản" v.v.

Tương tự, về công hàm xã giao của ông Phạm Văn Đồng vốn không nói gì đến Hoàng Sa và cho biết sẽ tôn trọng 12 hải lý của Trung Quốc, công hàm sau khi bị Trung Quốc diễn giải xuyên tạc theo lợi ích của họ, từ tham vọng, dã tâm độc chiếm Biển Đông của họ, thì những phần tử phản động người Việt đã rập khuôn luận điệu xuyên tạc này của Trung Quốc, a dua, phụ họa với tuyên bố chính thức của Trung Quốc, hùa theo hành động xuyên tạc để bành trướng và cướp đảo của Trung Quốc, tự biến bản thân thành người Trung Quốc, phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.

Ngoài ra, họ còn xuyên tạc Việt Nam chống Trung Quốc là chống cho Liên Xô, rằng VN là "tay sai" của Nga Xô, Nga Cộng. Trong khi thực binh Liên Xô không tham gia chiến sự, viện trợ của LX là có giới hạn và có hoàn lại (về sau mới được Liên bang Nga xóa nợ sớm). Liên Xô chỉ giúp Việt Nam chống Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao, truyền thông, tuyên truyền, giúp VN chuyển quân một vài lần, các lực lượng lục quân và không quân của họ đều án binh bất động, hải quân của họ không có động thái gì đáng kể. Liên Xô không có quyền tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam.

Bỉ ổi, vô liêm sỉ hơn nữa là họ xuyên tạc rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã “giả dạng Khmer Đỏ gây ra cuộc thảm sát Ba Chúc" để kiếm cớ "xâm lược" Campuchia. Họ tự biến bản thân thành tay sai, chó săn, con vẹt của Khmer Đỏ và Trung Quốc, tình nguyện làm một cái loa rè cho bọn diệt chủng và bành trướng. Nhưng họ tuyên truyền còn bỉ ổi, điên rồ hơn cả bọn diệt chủng Pol Pot và bọn bành trướng Bắc Kinh. Ngay cả bọn diệt chủng và bọn bành trướng cũng không "gắp lửa bỏ tay người" vô sỉ tới mức độ như thế. Đây là tuyên truyền của những kẻ phản động trình độ thấp, tư chất kém và vô văn hóa, kém giáo dục, chứ ngay cả Mỹ, Khmer Đỏ, Bắc Kinh lúc ấy (và sau này) cũng không ai tuyên truyền phản tác dụng, phản văn hóa, và xuẩn động đến như vậy.

Họ không đủ IQ trung bình để hiểu rằng lúc đó Việt Nam vừa mới vượt qua một thời kỳ chiến tranh dài nhất trong lịch sử dân tộc, và một trong những thời kỳ chiến tranh dài nhất trong lịch sử thế giới, gần 2 thế kỷ binh đao khói lửa, bị chiến tranh, bị bom Mỹ, bị chất độc hóa học của Mỹ tàn phá tới mức nào, vừa qua khỏi 2 cuộc kháng chiến gian khổ, đầy hy sinh chết chóc, Mỹ ra đi để lại một Việt Nam đổ nát, hoang tàn, người VN phải xây dựng lại đất nước từ một đống đổ nát, thì làm sao còn hơi sức nào, tinh thần nào để muốn có chiến tranh với bọn quá khích cuồng đồ Khmer Đỏ, bọn "cùi không sợ lở" Pol Pot liều mạng có Trung Quốc chống lưng, hậu thuẫn, còn tâm hồn nào để mà ham muốn chiến tranh, để mà "dây với hủi"?

Giả sử Việt Nam muốn chiến tranh với Khmer Đỏ thì không cần có cuộc Thảm sát Ba Chúc cũng quá thừa nguyên nhân, có quá nhiều lý do, danh nghĩa khác để đánh vào Campuchia tiêu diệt bè lũ Khmer Đỏ. Pol Pot đã xâm lược vào lãnh thổ Việt Nam, giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975-1978, giết hại, diệt chủng Việt kiều và người Campuchia. Gây ra nhiều tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại.

Ngay sau khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 4 tháng 5 năm 1975, quân đội Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc, 6 ngày sau đánh chiếm và hành quyết hơn 500 dân thường ở đảo Thổ Chu. Tiếp theo cuộc đột kích vào các đảo Thổ Chu và Phú Quốc, bên cạnh nhiều cuộc đột kích nhỏ, Khmer Đỏ đã tiến hành 2 cuộc xâm lược quy mô lớn vào Việt Nam. Cuộc tấn công lớn đầu tiên diễn ra vào tháng 4 năm 1977, quân chính quy Khmer Đỏ tiến sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát một số lớn dân thường. Cuộc tấn công thứ hai diễn ra vào ngày 25 tháng 9 cùng năm, lần này 4 sư đoàn quân chủ lực Khmer Đỏ đánh chiếm nhiều điểm ở các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), đốt phá 471 ngôi nhà, làm gần 800 người dân bị giết, bị thương hoặc mất tích. Sau khi đánh lùi quân giặc, Việt Nam đề nghị một giải pháp ngoại giao nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới, nhưng Pol Pot cự tuyệt và giao tranh tiếp diễn.

Ngày 1 tháng 2 năm 1978, Pol Pot họp bàn chủ trương chống Việt Nam và quyết định thành lập 15 sư đoàn. Trong nghị quyết của họ có ghi: "Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam". Pol Pot đã điều 13 trong số 17 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn địa phương liên tục tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi vào sâu tới 15-20 km.

Ngày 13 tháng 12 năm 1978, được sự trang bị, huấn luyện, cố vấn và chống lưng của Trung Quốc, Khmer Đỏ đã huy động 10 trong 19 sư đoàn tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. 3 sư đoàn đánh vào Bến Sỏi với mục tiêu chiếm thị xã Tây Ninh, 2 sư đoàn đánh vào Hồng Ngự (Đồng Tháp), 2 sư đoàn đánh khu vực Bảy Núi (An Giang), 1 sư đoàn đánh Trà Phô, Trà Tiến (Kiên Giang). Tại những vùng chiếm đóng, Khmer Đỏ đã thực hiện chính sách diệt chủng đối với người Việt, như đã làm với người Khmer. Trùm khủng bố Pol Pot công khai tuyên bố chủ quyền lên trên nhiều lãnh thổ của Việt Nam, trong đó có đảo Phú Quốc, Thổ Chu, và hoang đường ở nữa là hô hào đánh tới Thành phố Hồ Chí Minh, tuyên bố chủ quyền lên trên TPHCM, xuyên tạc rằng Sài Gòn trước đây là của họ. Tuyên truyền bóp méo rằng: "Nơi nào có cây thốt nốt thì nơi đó là lãnh thổ của Campuchia."

Trong xã hội Campuchia dưới sự "lãnh đạo" của Pol Pot và Khmer Đỏ, họ chủ trương xây dựng một xã hội không trường học, không tiền bạc, không chợ búa, người đẹp phải lấy người xấu trong những cuộc hôn nhân sắp đặt, cưỡng bách. Họ cho rằng đó là vì sự "công bằng xã hội", "cân bằng sinh học".

Trẻ em Campuchia thì bị đào tạo thành những cỗ máy sát nhân, trẻ em 5 tuổi đã được luyện hành hạ thú vật, gia súc, và con người, lớn lên một chút thì được luyện giết người, luyện cho các em quen dần với cảm giác giết chóc, tra tấn, bắn giết, phá hoại, hủy diệt, cảm giác "say máu".

Trí thức thì trở thành đối tượng đều tiêu diệt tận gốc rễ, và tiêu chí để nhận biết ai có phải là "trí thức" hay không đó là sự đeo kính, bất kỳ ai đeo mắt kính thì đều là "trí thức" và bị hành quyết. Một tiêu chí khác nữa là xem bàn tay, dù ai đó không bị cận thị, không đeo kính, nhưng nếu bàn tay mịn màng, sạch sẽ, đẹp đẽ, không thô kệch, không dơ dáy, không có dấu hiệu của việc lao động tay chân cơ bắp thì sẽ bị coi là "lười lao động", "biếng nhác", "con nhà giàu", "trí thức" v.v. và nhẹ thì bị chặt ngón tay, vừa thì bị chặt nhiều ngón tay, chặt bàn tay, cánh tay, nặng thì bị giết.

Pol Pot cai trị độc tài khát máu và man rợ như một tù trưởng của các bộ lạc ăn thịt người thời thượng cổ hay một bạo chúa chuyên tru di cửu tộc, ngũ mã phanh thây thời trung cổ. Ông ta giết sạch bất kỳ ai dám lên tiếng phản đối, vu cho là "theo Việt Nam", "theo Liên Xô", "kẻ phản bội" v.v. Triệt hạ, thanh trừng nội bộ bằng nhiều hình thức khác nhau, bắt cóc, ám sát (bắn lén, đập chết, đầu độc, chích thuốc độc, trói hoặc bỏ vào bao rồi thả xuống sông cho chết đuối), khủng bố, hành quyết v.v.

Với những thực tế khách quan như thế, thì Việt Nam có cần cuộc Thảm sát Ba Chúc để lấy cớ đánh Khmer Đỏ hay không?

Tổng kết

Trong lịch sử hiện đại, Trung Quốc đã 3 lần phản bội nhân dân Việt Nam:

1. Tại Hội nghị Genève năm 1954, họ mưu đồ bán rẻ lợi ích của nhân dân Đông Dương, không những để bảo đảm cho nước họ một vành đai an ninh ở phía Nam, mà còn chuẩn bị địa bàn cho việc thực hiện mưu đồ bành trướng ở Đông Dương và Đông Nam Á. Họ muốn duy trì tình trạng Việt Nam bị chia cắt lâu dài, hòng làm cho Việt Nam suy yếu và phải nhờ vả Trung Hoa.

2. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu quốc, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị Mỹ "vắt chanh bỏ vỏ", "thay ngựa giữa dòng" thì họ xúi Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam và ủng hộ Mỹ đưa gần 60 vạn quân vào trực tiếp xâm lược Việt Nam để ngăn cản cách mạng miền Nam mở rộng tiến công, phát triển vùng giải phóng và phá "Ấp Chiến Lược", làm chùn bước phong trào kháng chiến ở miền Nam. Sau những sự đàm phán với thực dân Pháp - Mỹ trên lưng Việt Nam năm 1954 trong Hội nghị quốc tế Genève, thì trong Hội nghị Paris, VN rút kinh nghiệm không cho TQ vào đàm phán, Việt Nam muốn đàm phán với Hoa Kỳ, để cho Mỹ rút quân trong danh dự trong Hội nghị Paris, tận dụng mặt trận ngoại giao để chống Mỹ thì TQ liên tục bàn lùi, bàn ra. Khi Việt Nam đang trên đà đi tới thắng lợi hoàn toàn thì họ "liên Mỹ đả Việt" (聯美打越), bắt tay với chính quyền Nixon.

3. Sau khi quân đội Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam khỏi ách thống trị thực dân mới của Mỹ và thống nhất nước nhà, họ đã dùng mọi thủ đoạn chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao để làm suy yếu nước CHXHCN Việt Nam, tiến đến dùng lực lượng quân sự của bè lũ cực đoan quá khích ở Campuchia xâm lược Việt Nam từ phía Tây Nam, và đem trên 50 vạn quân trực tiếp xâm lược Việt Nam ở phía Bắc, phá hoại nghiêm trọng các cơ sở kinh tế, văn hóa của Việt Nam ở những vùng giao tranh, vùng tạm chiếm. Mưu toan dùng con bài chính trị Hoàng Văn Hoan, thông qua ngụy quyền để chiếm đóng lâu dài, thực hành chính sách thực dân mới như đế quốc Mỹ trước đây, âm mưu lấn chiếm, cướp giật đất đai, lãnh thổ, mưu đồ nhổ đi cái gai Việt Nam, dùng đất Việt làm bàn đạp, từng bước bành trướng xuống Nam.

Đây là chân dung, chân tướng của người hàng xóm khổng lồ, vừa đểu giả vừa phức tạp, vừa to xác vừa "thâm nho", mà Việt Nam phải tận lực đề phòng, đề cao cảnh giác. Chơi thì chơi, "anh em" thì "anh em", nhưng không bao giờ được thật lòng với họ, và luôn phải cảnh giác như hàng ngàn năm qua.

Thiếu Long

Tài liệu tham khảo

Việt Nam

- Lịch sử Sư đoàn 3 Sao vàng, Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, năm xuất bản: 1980
- Cuộc chiến tranh bắt buộc, Đại tá Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004
- Binh đoàn Hương Giang, Sư đoàn Sông Lam, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội 1984
- Sư đoàn 7, Quân đoàn Cửu Long, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội 1985
- Sư đoàn 303, Đoàn Phước Long, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội 1989
- Lịch sử không quân Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội 1993
- Ký sự chiến tranh - Nhiều tác giả - NXB Văn Học, 2006
- Văn kiện: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc 30 năm qua, NXB Sự Thật, Năm xuất bản: 1979
- Không được đụng tới Việt Nam – Nhà xuất bản Quân Đội – Năm xuất bản: 1979

- Một số bài tham luận, trả lời phỏng vấn, bài nói chuyện của nguyên Bí thư thứ nhất Tòa đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Dương Danh Dy, và một số bản dịch của ông về những tài liệu, hồ sơ, tham luận, phát biểu, bản báo cáo tổng kết hội thảo của người Trung Quốc.

Quốc tế

- Edward C. O'dowd (2007). Chinese Military Strategy in the Third Indochina War. Rutledge
- King C. Chen (1987). China's War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications. Hoover Press
- Nguyen Huu Thuy (1979). Chinese Aggression: How and Why it failed. NXB Ngoại ngữ.
- Carlyle A. Thayer, Security Issues in Southeast Asia: The Third Indochina War, Conference on Security and Arms Control in the North Pacific, Australian National University, Canberra, August 1987
- Nayan Chanda (1986). Brother Enemy. The War after the War.. Harcourt Brace Jovanovich
- François Joyaux (1994). La Tentation impériale - Politique extérieure de la Chine depuis 1949. Paris: Imprimerie nationale.
- Bùi Xuân Quang (2000). La troisième guerre d'Indochine, 1975-1999 sécurité et géopolitique en Asie. Harmattan.
- Spencer Tucker (January 13, 2005). Vietnam. USA: Henry Holt and Co.; 1st edition
- Ben Kiernan (August 19, 2008). 'The Pol Pot Regime: Race, Power, and Genocide in Cambodia under the Khmer Rouge, 1975-79'. Yale University Press; 3rd edition
- Elizabeth Becker (1998). When the war was over: Cambodia and the Khmer Rouge revolution. Public Affairs.
- Chiến tranh Đông Dương III, Hoàng Dung, Nhà xuất bản Văn Nghệ Califonia USA, 2000
- Red Brotherhood at war - Chân lý thuộc về ai - Tác giả: Grant Evans - Kelvin Rowley - Người dịch: Nguyễn Tấn Cưu - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân - Năm xuất bản: 1986
- Hành trình qua cánh đồng chết - Chanrithy Him - Dịch giả: Mịch La - Agence France Press, 1969
- Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam, Wilfred Burchett, NXB Thông tin Lý luận
- Hồi ký: Giọt nước trong biển cả, Hoàng Văn Hoan, Tự xuất bản, Năm xuất bản: 1987
- 40 năm diễn biến quan hệ Trung - Việt, Quách Minh chủ biên, NXB Nhân dân Quảng Tây (Trung Quốc), Năm xuất bản: 1992
- Phim tài liệu: Những năm tháng máu và hoa, Tập 1-5, Việt Nam và Campuchia hợp tác sản xuất

- Tài liệu Internet